10 November 2009

Cuộc tranh giành quyền lực trong hậu trường


Một sự thật đáng buồn là quyền lợi của đất nước không có chỗ đứng trong cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất trong đảng cộng sản. Tất cả những liên minh hay kết hợp trong hậu trường này đều chỉ nhằm củng cố và kéo dài vô thời hạn vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản chứ không phải vì tương lai đất nước.

Nguyễn Văn Huy



Cách đề cử nhân sự vào các chức vụ trong ban chấp hành trung ương của đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên từ hơn mười năm qua, nếu chịu khó quan sát, người ta vẫn có thể dự đoán một cách khá chính xác thành phần nhân sự được phân bổ vào các chức vụ quan trọng trong trung ương đảng và chính phủ.

Lý do là từ đầu thập niên 1990 đến nay, sau khi khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, số người thực sự nắm vận mạng của đảng và nhà nước, được gọi một cách ân tình là những nhà "cách mạng lão thành", thưa thớt dần vì tuổi già hay không còn nữa. Đây là những người đã góp phần xương máu trực tiếp vào việc tiến chiếm chính quyền và áp đặt chế độ cộng sản, hay đã lập nhiều thành tích đáng kể để duy trì vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản trên toàn quốc. Những cấp lãnh đạo "trẻ" trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản hiện nay không có hào quang đó, nhưng không ai biết bằng cách nào họ đã đạt được những địa vị cao nhất đó.

Có dư luận cho rằng sự phân chia quyền lực trong đảng và nhà nước là tuỳ theo địa phương, Nam Trung Bắc phải đề huề. Đặc biệt là trong ba chức vụ cao nhất nước: tổng bí thư đảng cộng sản, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ phải là người của ba miền, chẳng hạn như Đỗ Mười, tổng bí thư, là người miền Bắc, Lê Đức Anh, chủ tịch nước là người miền Trung, Võ Văn Kiệt, thủ tướng chính phủ là người miền Nam, v.v. Trước đó là các ông Lê Đức Thọ (miền Bắc), Lê Duẩn (miền Trung), Phạm Hùng (miền Nam). Đi xa hơn, người ta còn nói trong mỗi cơ quan, quốc hội cũng như các bộ và ngành, lúc nào các chức vụ cũng phải phân chia đồng đều theo nguồn gốc địa phương xuất thân như vừa kể.

Dư luận khác thì nói sự phân chia quyền lực tuỳ theo khuynh hướng đang lên trong giai đoạn đó, chẳng hạn như khuynh hướng thân Liên Xô, thân Trung Quốc hay thân phương Tây, như phe Trường Chinh thân Trung Quốc, phe Phạm Văn Đồng thân Liên Xô, phe Võ Nguyên Giáp thân phương Tây, v.v. Gần đây chỉ còn hai khuynh hướng: thân Trung Quốc và thân phương Tây (đồng nghĩa với thân Hoa Kỳ).

Trước đại hội 10 (2006), dư luận còn tiên đoán sự phân chia quyền lực trong nội bộ đảng dựa trên thế lực kinh tế: sức mạnh kinh tế của miền Nam đã quá vượt trội nên các chức vụ cao nhất nước thuộc về những cấp lãnh đạo miền Nam, chẳng hạn như chủ tịch nước là Nguyễn Minh Triết (Sông Bé), thủ tướng chính phủ là Nguyễn Tấn Dũng (người gốc Kiên Giang, từng nắm giữ những chức vụ kinh tế tài chánh quan trọng: thồng đốc ngân hàng nhà nước và trưởng ban kinh tế trung ương đảng), thường trực ban bí thư trung ương Trương Tấn Sang (Sài Gòn). Sở dĩ chức tổng bí thư giao cho ông Nông Đức Mạnh vì có tranh chấp giữa Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang; ông Mạnh được đánh giá là một người hiền lành, không có tham vọng cao nên không đe doạ ai, v.v.

Trong thực tế, sự phân chia quyền lực và quyền lợi trong nội bộ đảng và nhà nước Việt Nam khá giản dị: tất cả đều phải có người đỡ đầu (mentor) chứ không do một khuynh hướng địa phương hay chính trị chủ yếu nào. Người đỡ đầu ở đây không có nghĩa là một người cụ thể nào, mà là một nhóm quyền lực. Trong nhóm quyền lực này, những thành viên có thể là những người không ưa nhau nhưng biết chia chác quyền lợi đồng đều cho nhau để cùng tồn tại, mà đảng cộng sản và Hồ Chí Minh là sợi dây liên kết. Khi có tranh chấp, tất cả đều sử dụng lá bài thành tích của đảng và hình ảnh Hồ Chí Minh làm biểu tượng đoàn kết.

Trước kia, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ 1951-1960, nhóm quyền lực mạnh nhất trong đảng là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng và Lê Đức Thọ. Sang thời kỳ tiến chiếm miền Nam, từ 1960 đến 1976, nhóm quyền lực trong đảng là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng. Sau khi thống nhất đất nước, từ 1976 đến 1982, nhóm quyền lực là bộ ba Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Văn Linh, trong giai đoạn này hai người được chọn để đưa vào nhóm quyền lực là Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt với tư cách là uỷ viên dự khuyết bộ chính trị. Sang giai đoạn từ 1982 đến 1986, bộ ba nắm giữ quyền lực vân là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Văn Linh, với Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh được cử làm phụ tá để chuẩn bị nối nghiệp. Lê Duẩn mất năm 1986 và Lê Đức Thọ mất năm 1990. Trong giai đoạn từ 1986 đến 1991, Nguyễn Văn Linh bị lu mờ trước Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh, ba người do Lê Đức Thọ đưa lên để lãnh đạo đảng và nhà nước. Từ 1991 đến nay, trừ Võ Văn Kiệt vừa qua đời (2008), trung tâm quyền lực này ngày càng được củng cố với những thành phần trẻ: Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang (vào bộ chính trị năm 1996), Nguyễn Minh Triết (vào bộ chính trị năm 1997), cả ba người này đều do Lê Đức Anh (về hưu năm 1997) đỡ đầu. Cánh Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt suy yếu dần và không còn được nhắc tới nữa.

Phác hoạ trên chỉ là mô tả giản lược của một tiến trình phân phát quyền lực phức tạp, vì càng đi sâu vào tổ chức đảng cộng sản càng thấy sự rườm rà, đan chéo quyền lực chằng chịt giữa các phe phái và khuynh hướng đang lên hay đang xuống.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có gần 80 tuổi đời và 65 năm kinh nghiệm cầm quyền. Sự lâu dài này là một ngoại lệ vì chưa bao giờ Việt Nam có một tổ chức chính trị có kinh nghiệm cầm quyền lâu dài đến thế. Sự lâu bền này không phải tình cờ, nó là cả một quá trình thích nghi và thích ứng liên tục vời thời thế và nhân sự trong nội bộ của những người lãnh đạo đảng. Có những khuôn mặt sáng chói một thời bỗng nghiên bị tắt lịm trong im lặng không ai biết, đó là trường hợp của các ông Trường Chinh, Trần Xuân Bách, Nguyễn Văn Linh, Đoàn Khuê, Đào Duy Tùng, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Khoa Điềm, v.v.

Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên danh nghĩa là một chế độ cộng hòa, nhưng trong thực tế nó là một thể chế độc tài, độc đảng. Chính vì thế sẽ không bao giờ có đa nguyên đa đảng như dư luận trông đợi, vì theo cách tổ chức chính trị hiện nay không có chỗ đúng nào cho một đảng phái chính trị khác ngoài đảng cộng sản, Điều 4 hiến pháp khẳng định thực tế này. Cũng nên biết hệ thống tổ chức của đảng cộng sản được thành lập song hành với hệ thống tổ chức hành chánh của nhà nước, và người quyết định sau cùng là đảng. Nói tóm lại, đảng cộng sản lãnh đạo tất cả, từ nhà nước đến các đoàn thể ngoại vi (mặt trận tổ quốc, tổng công đoàn, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, v.v.) thông qua các ban cán sự đảng và đảng đoàn có nhiệm vụ lãnh đạo các thành viên trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của đảng. Đối với các tổ chức quần chúng (hội đoàn tôn giáo, võ thuật, văn hoá và các tổng công ty), tuỳ theo tầm vóc của mỗi đoàn thể mà đảng cử nhiều hay ít cán bộ để quản lý.

Trong quân đội và công an cũng thế, người của đảng nắm quyền quyết định cuối cùng. Đảng uỷ quân sự trung ương (quân uỷ trung ương) và đảng uỷ công an trung ương gồm một số uỷ viên trong ban chấp hành trung ương công tác trong và ngoài quân đội và công an, do bộ chính trị và ban bí thư chỉ định. Mỗi đơn vị quân sự và công an đều có đảng uỷ riêng, từ quân khu, các binh chủng, các đơn vị chủ lực và biên phòng đến các đơn vị quân sự cấp tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã đối với quân đội và các đơn vị công an cấp tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã.

Vì là đảng độc quyền lãnh đạo, sự phân chia quyền lực và quyền lợi trong nội bộ đảng phải rất phân minh, nếu không sẽ lâm vào bế tắc, thí dụ như những lần họp chọn nhân sự vào ban chấp hành trung ương trong các đại hội đại biểu toàn quốc khoá 9 (2001) và 10 (2006). Lý do của sự trì trệ trong việc chỉ định nhân sự vào các chức vụ lãnh đạo là nhóm quyền lực, lúc đó là các ông Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười, quá yếu. Sự trì trệ này vẫn còn kéo dài cho tới hôm nay. Hội nghị trung ương 11 khoá 1 giữa tháng 10-2009 vừa qua là một thí dụ khác: thành phần nhân sự lãnh đạo đảng trong đại hội đảng lần thứ 11 sẽ nhóm họp vào năm 2010 vẫn chưa ngã ngũ.

Cũng nên biết cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng là đại hội đại biểu toàn quốc, cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp (đảng bộ và chi bộ) là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của đảng là ban chấp hành trung ương, ở mỗi cấp (uỷ) là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ. Mỗi cấp uỷ có ban thường vụ riêng. Chỉ ban chấp hành trung ương mới có quyền bầu ra bộ chính trị, thành lập ban bí thư. Đại hội đại biểu toàn quốc 2006 đã bầu ban chấp hành trung ương khoá 10 gồm 160 thành viên, những người này đã bầu ra bộ chính trị gồm 14 thành viên. Phụ tá bộ chính trị và ban bí thư là những ban trung ương đặc trách tổ chức, tuyên giáo, bảo vệ chính trị, tư tưởng văn hoá, nội chính, kinh tế, khoa giáo, dân vận, tài chánh quản trị, kiểm tra, cán sự đảng ngoài nước và văn phòng trung ương đảng.

Những thành viên bộ chính trị bầu ra ban bí thư và đề cử một người đảm nhiệm chức vụ thường trực ban thường trực, hiện nay là ông Trương Tấn Sang. Nếu quan sát kỹ thành phần nhân sự trong ban bí thư này, người ta có thể biết quyền lực nằm trong phe nhóm nào hay trong tay ai. Tiếp theo sau là cả một quá trình thương lượng giữa các khuynh hướng khác nhau trong nội bộ đảng để phân bổ vào các ban tham mưu đầu não cấp trung ương, đứng đầu và quan trọng nhất là ban tổ chức trung ương. Nói thẳng ra, người lãnh đạo ban này cũng là người được tín cẩn, có nhiều ảnh hưởng trong đảng và nhà nước, hiện nay là ông Hồ Đức Việt. Kế đến là ban tuyên giáo trung ương hiện nay do ông Tô Huy Rứa đứng đầu. Nếu không có một biến cố quan trọng nào xảy ra, ba nhân vật này có thể sẽ là nhóm quyền lực mới trong đảng cộng sản Việt Nam.

Khác với những nhân vật trong ban lãnh đạo trước, Trương Tấn Sang là một người cơ sở, nắm vững địa bàn Sài Gòn, trung tâm kinh tế của đất nước, do đó có nhiều quan hệ với những nhóm thế lực địa phương ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Hai ông Hồ Đức Việt và Tô Huy Rứa là những trí thức trẻ trong bộ chính trị, niềm hy vọng mới của đảng cộng sản, có khả năng thích ứng với trào lưu toàn cầu hoá trên thế giới. Dưới ảnh hưởng của ba nhân vật này là các bí thư thành uỷ Sài Gòn và Hà Nội, và các tỉnh uỷ địa phương, đa số là người miền Nam.

Ai là người đỡ đầu những nhân vật này vào trung ương đảng và bộ chính trị?

Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp (1945-1954) và tiến chiếm miền Nam (1960-1975), người nắm quyền lực trong đảng là Lê Đức Thọ. Tuy Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng có giữ nhiều chức vụ nổi quan trọng nhưng không nắm ban tổ chức trung ương nên không có khả năng tổ chức mạng lưới nhân sự khắp nơi. Sở dĩ Lê Đức Thọ có toàn quyền quyết định trong đảng vì ông là một người thông minh, có óc tổ chức và có tầm nhìn chiến lược nên rất được nể trọng, thêm vào đó anh em của ông, như Đinh Đức Thiện, Đồng Sỹ Nguyên, Mai Chí Thọ, là những cấp tướng tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở miền Nam. Quyền uy của ông trong đảng rất lớn nên gần như tất cả các chức vụ quan trọng trong đảng phải có sự đồng ý của ông. Mặc dù được sự cố vấn và giúp đỡ của những nhân vật khác trong bộ chính trị, chính Lê Đức Thọ tuyển chọn những người kế vị mình để nắm vai trò lãnh đạo trong đảng. Năm 1986, Lê Đức Thọ đã đưa các ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh vào bộ chính trị và sau đó loại trừ các ông Trần Xuân Bách và Nguyễn Văn Linh ra khỏi những chức vụ lãnh đạo. Sau khi Lê Đức Thọ qua đời (1990), ba người này thay ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đảng và tuyển chọn người duy trì quyền lãnh đạo của đảng: Lê Khả Phiêu (1993), Nguyễn Tấn Dũng (1996), Nguyễn Minh Triết (1997), Trương Tấn Sang (1996).

Trong thực tế, từ sau 1990, chính Lê Đức Anh là người có tiếng nói cuối trong những quyết định quan trọng liên quan đến sự chọn lựa người lãnh đạo đảng cộng sản. Lê Đức Anh là một người đã từng vào sinh ra tử và có một đời sống trong sạch hơn những người có địa vị khác nên rất được sự mến mộ của những đảng viên trẻ, đặc biệt là quân đội. Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt tuy cũng có công bảo vệ đảng nhưng không có hào quang của một vị tướng chỉ huy chiến trường nên chỉ đóng vai trò cố vấn Lê Đức Anh mà thôi. Mặc dù vậy dư luận ít biết đến Lê Đức Anh vì ông thích hoạt động trong bóng tối, rất ít xuất hiện trước đám đông. Một yếu tố khác quyết định vai trò lãnh đạo của Lê Đức Anh là ông nắm giữ Tổng Cục II, đây là cơ quan tình báo quân đội thuộc bộ quốc phòng nhưng lại theo dõi tất cả mọi hoạt động của các đảng viên cao cấp trong các tổ chức đảng, từ chính quyền đến quân đội và công an.

Nhìn lại bốn nhân vật được Lê Đức Anh cất nhắc, tất cả đều là chỗ quen biết thân tình hoặc là phụ tá của ông trước kia. Nhân vật được Lê Đức Anh nâng đỡ nhất là Lê Khả Phiêu, đệ tử ruột của ông trên chiến trường Kampuchia (1979-1988), lên làm tổng bí thư năm 1997 nhưng không được tín nhiệm trong nhiệm kỳ sau. Ba nhân vật còn lại, Nguyễn Tấn Dũng trước kia được Võ Văn Kiệt đỡ đầu sau đó được Lê Đức Anh đối xử như một người cha, nghĩa là được nâng đỡ tối đa để thành đạt; Nguyễn Minh Triết gần như là người con trong nhà, được Lê Đức Anh tận tình giúp đỡ lúc còn ở Sông Bé; Trương Tấn Sang là một người có bản lãnh, có tài giao tiếp nên rất được lòng các cấp lãnh đạo miền Nam nên được Lê Đức Anh đặc biệt ưu ái, coi như người nhà.

Vấn đề là Lê Đức Anh năm nay đã gần 90 tuổi, không thể tiếp tục can thiệp vào sự tuyển chọn nhân sự vào những chức vụ cao cấp nhất trong đảng mặc dù uy tín của ông vẫn còn. Một vấn đề khác là ba ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết và TrươngTấn Sang đều có cùng tham vọng nắm quyền lãnh đạo đảng nhưng không có hào quang của Lê Đức Anh, nên sẽ rất chật vật trong việc kéo bè kết đảng sau lưng mình để nắm quyền lãnh đạo trong đảng. Chính vì thế các ông Hồ Đức Việt và Tô Huy Rứa đang rất có giá vì phe nào cũng muốn lôi kéo về phía mình. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Chi, trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương khoá 9 và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trung ương khoá 10, là một ngôi sao đang lên. Nhưng cho dù có thế nào, Trương Tấn Sang vẫn là lá bài sáng giá nhất vì, mặc dù mang nhiều tai tiếng, là người từ đất ngoai lên, dám làm và dám nói những gì mà ông thấy đúng, hơn nữa ông nắm vững địa bàn kinh tế miền Nam. Trong khi các ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Minh Triết được dư luận đánh giá là "con cháu các cụ", nghĩa là được nâng đỡ chứ không có thực tài, nên ít được đa số đảng viên và quân đội nể phục.

Một sự thật đáng buồn là quyền lợi của đất nước không có chỗ đứng trong cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất trong đảng cộng sản. Tất cả những liên minh hay kết hợp trong hậu trường này đều chỉ nhằm củng cố và kéo dài vô thời hạn vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản chứ không phải vì tương lai đất nước.


Nguyễn Văn Huy


No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers