Thế hệ già đang đi qua, thế hệ trẻ đang tới. Nếu thế hệ đàn anh không tự giúp mình và giúp nhau ngoi lên được khỏi cái vòng lẩn quẩn của tâm lý cực đoan, không định hướng, chụp mũ, chống báng, chối bỏ nhau, thế hệ đàn em sẽ trở thành người xa lạ với lý tưởng quốc gia dân tộc mà chúng ta đang ra sức đấu tranh. Người Việt mà nhất là tuổi trẻ ở nước ngoài càng lâu càng có khuynh hướng trở thành “con cháu ngoại” của đất nước và cộng đồng dân tộc tại địa phương mình ở. Có tương kính và tương thân thì tham gia sinh hoạt với “người mình”. Ngược lại, thì sinh hoạt với người xứ khác chẳng thiếu gì trong xã hội Mỹ. Sự tha hóa hay giữ được giống nòi nơi đất khách là trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ đàn anh. Trần Kiêm Đoàn |
Sau khi bài viết gởi ông Liên Thành nhan đề “Đôi điều với Liên Thành về Biến Động Miền Trung” được công bố rộng rãi trên diễn đàn báo chí, ông Liên Thành đã mời tôi trực tiếp đối chất với ông trên diễn đàn ra sách của ông tại Sacramento ngày 8-11-2009. Tôi cũng đã đáp lễ trả lời từ chối vì xét thấy chưa cần thiết.
Tiếp theo chỉ một ngày sau đó là chiến dịch i-meo tấn công và chụp mũ cá nhân tôi nổi lên ồ ạt và liên tục. Tất cả gồm một mớ i-meo vá víu lại thành một bài tạp lục đủ thể loại như kể chuyện, bình văn, ý kiến, vu vạ, bịa đặt… nhằm mạ lỵ đời tư, chụp mũ cộng sản. Tệ hại hơn nữa là sự ngụy tạo người quen, người thân, người đồng hương, người làng và thậm chí, ngụy tạo luôn cả thư “thú tội” của tôi bằng một lối viết dung tục hạ đẳng nhằm gây mâu thuẫn chính trị và tôn giáo về cá nhân tôi.
Người cầm bút Việt Nam thường được ví như những nhà văn đứng giữa hai lằn đạn (Writers Caught in the Crossfire). Nếu không nắm bắt được đâu là nguồn thông tin cần tham khảo học hỏi và đâu là nguồn dư luận như ma quỷ hiện giữa ban ngày cần thản nhiên và vứt bỏ thì có lẽ nên chọn một thú tiêu dao nào khác đầy sương khói và mơ mộng hơn là viết chuyện đời thường.
Khi viết tới những dòng nầy, tôi liên tưởng tới một luận điểm trong thư mời tranh luận của ông Liên Thành gởi cho tôi. Đó là điểm ông xác định thái độ khinh bỉ và ghê tởm đối với những con chuột chui rúc, đục khoét, tung vãi những nguồn thông tin láo khoét và xuẩn động: Không dám ra mặt ngoài ánh sáng để nói với nhau ba mặt một lời mà ươn hèn đặt điều trong bóng tối.
Giới lừa bịp đã coi thường và đánh giá công luận quá thấp vì nhầm lẫn thời điểm truyền thông đại chúng chính xác và nhanh như chớp mắt hôm nay với thời kỳ rỉ tai, đồn miệng, phóng uế ngoài ngõ… thời Ba Giai Tú Xuất còn đi quanh chọc cười thiên hạ.
Ma giữa ban ngày
Đọc những email mà tôi vừa gọi là “chùm thư hổ lốn” nói trên, tôi thấy vừa quen quen, vừa là lạ. Quen vì bắt gặp toàn người thật, việc thật. Nhưng lạ vì sự biến ảo tài tình nói không thành có. Những nhân vật đều là những người thật bằng xương, bằng thịt mà lại là ma; những sự việc hoang tưởng lại hóa ra như thật.
Hiện tượng ma hiện giữa ban ngày không phải là chuyện đồng bóng phù thủy thời xa xưa mà đang xảy ra lồ lộ ngay trên xứ Huê Kỳ ở thế kỷ 21. Số là chuyện như vầy:
Ở làng Hương Cần, quả thật, có Nguyễn Văn Lũy là huynh trưởng Gia đình Phật tử, có Nguyễn Ánh là xã đội trưởng, có người làng tên Nguyễn Phi là em bà con với Nguyễn Văn Lũy, có Cao Văn Nhớ ở xóm Giữa, có Trần Kiêm Đoàn là người làng Liễu Cốc Hạ sát nách Hương Cần. Và, sau 1975, có lắm việc lao động tập thể như việc thanh niên đi vác Gi sắt để làm sân khấu văn nghệ tuyên truyền. Thôi thì cứ tạm tưởng tượng như là có một sân khấu văn nghệ như thế. Việc vác vật liệu xây dựng sân khấu là người thật việc thật nên khai thác chuyện nầy là tạo được sự chú ý và tin tưởng của người ngoài đối với người trong cuộc. Sân khấu mở màn. Tất cả người và việc hiện ra sống động mà ai cũng hình dung được. Trong khung cảnh đó, chỉ cần tưởng tượng để ngụy tạo ra một Trần Kiêm Đoàn hay một thầy tu, một nhân vật Ất Giáp Bính Đinh nào đó… mang dép râu, đội nón cối, lên sân khấu “chửi Mỹ Ngụy” thì thật là vừa vặn cho tâm lý tò mò theo bén gót Tôn Ngộ Không vào động Hoa Sơn tìm yêu quái. Tuy là sản phẩm của tưởng tượng, nhưng có sức thuyết phục cao vì đánh động vào nhu cầu tò mò của người đọc. Kẻ bị ngụy tạo hay quần chúng hoài nghi không cách nào chứng minh được. À, nhớ ra rồi! Tôi cảm thấy tiểu xảo nầy quen quen vì hầu như nội dung của tập sách Biến Động Miền Trung đã được xây dựng trên thủ pháp của người và ma trong mê hồn trận “tình báo” thông tin như thế.
Tuyệt vời! Chính bà xã tôi, người đã sống bên cạnh tôi hơn 40 năm mà cũng phải thốt lên: “Thiệt là tài tình quá! Nếu em không phải là vợ anh thì em cũng cho những điều bịa đặt về anh là thật hay ít lắm thì cũng hoang mang nghi ngờ không biết anh có hành động như thế hay không. Chỉ tội cho người không có làm mà bị hàm oan hoặc đã chết, hoặc không muốn nói hay không thể tự mình nói lên tiếng nói bạch hóa cho sự chụp mũ bất lương đó. Nếu có ai đó mà bị buộc tội xâm phạm tình dục theo lối thông tin tình báo nầy thì chỉ có cái mền, cái gối có mắt có tai và biết nói năng thì may ra mới lên tiếng minh oan được cho kẻ hàm oan bị ném hỏa mù.”
Trong chùm thư hổ lốn – nhưng cực kỳ ma mãnh và tinh xảo theo lối “thông tin tình báo” – vừa nói ở trên, những kẻ ngụy tạo thông tin đã tạo ra hai “nhân chứng sống” được dàn dựng lên như người thật, nhưng chỉ là bóng ma hiện giữa ban ngày đã ném hỏa mù làm dư luận bên ngoài chẳng biết đâu là chân, đâu là giả. Trường hợp hai nhân vật Nguyễn Phi và Cao Văn Nhớ trong chiến dịch… công đồn đả viện Trần Kiêm Đoàn tôi cũng nằm trong ma thuật nầy.
Đúng là có anh Nguyễn Phi, em họ của anh Nguyễn Văn Lũy, liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Hương Cần đồng thời với tôi là liên đoàn trưởng GĐPT Liễu Hạ (1962-1967) cùng thuộc hệ thống liên GĐPT Hương Cần. Anh Nguyễn Phi là một sĩ quan quân lực VNCH đã bị đi tù sau 1975, được qua Mỹ theo diện H.O và hiện đang định cư tại thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ (điện thoại: 408-287-1386) .
Đúng là có anh Cao Văn Nhớ, người làng Liễu Cốc Hạ ở cách nhà tôi một xóm. Anh Cao Văn Nhớ, hiện đang còn ở tại làng Liễu Cốc Hạ và đang làm nhân viên trật tự tại quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (điện thoại nhà: 054-355-7383; điện thoại cầm tay: 0932446266).
Cả hai anh đều ở độ tuổi lục tuần. Sau khi liên lạc và kiểm chứng trực tiếp cả hai anh đều cho biết là họ chỉ lo sống làm ăn thầm lặng. Hoàn toàn không để ý đến chuyện thị phi bên ngoài. Cả hai người đều xác nhận rằng, chưa bao giờ nói với ai hay viết một điều gì về Trần Kiêm Đoàn, về tôn giáo chính trị gì cả.
Nói tóm lại là cơ quan “tình báo thông tin” khuông phò Biến Động Miền Trung đã ngụy tạo đủ các loại thư email: Thư chụp mũ Việt cộng, thư dựng chuyện bôi xấu đời tư, thư mạ lỵ tục tằn, thư chia rẽ tôn giáo, thư gây hoài nghi cho gia đình bà con dòng tộc… của tôi. Những con ma xó ấy còn ngụy tạo luôn cả thư “tự thú đủ thứ tội” của Trần Kiêm Đoàn gởi Nguyễn Phi và thân hữu!
Với sự phán xét thông thường của công luận thì “một điều bất tín, vạn sự không tin”, nên đến đây có thể phủi tay ném tất cả những mớ thư nặc danh và mạo danh chụp mũ ấy vào sọt rác. Đồng thời, có đủ chứng lý để tố cáo trước pháp luật phường tội phạm mạo danh, bịa chuyện mạ lỵ và hãm hại người vô tội sau khi thẩm tra IP để truy nguyên nguồn gởi. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy có trách nhiệm phải đi ra khỏi cái vòng lẩn quẩn “ma hiện giữa ban ngày” đó, vì những điều tôi viết là để mong tránh được viễn ảnh phân hóa cộng đồng, ngăn ngừa khả năng chia rẽ tôn giáo và gây hoang mang dư luận chứ không phải viết để thỏa mãn nhu cầu viết lách tiêu khiển cho cá nhân mình.
Nhóm tạo huyền thoại “ma giữa ban ngày” đã manh động biến người thật thành bóng ma để “làm chứng” cho hoạt động ma nhằm tấn công một Trần Kiêm Đoàn là người thật. Dùng người ma và việc ma để gán tội lên đầu người thật mà không cách gì để chứng minh “giải tội” được là tội ác ghê rợn nhất của tập đoàn Stalin đã sử dụng để kết tội, đày ải và giết chết hàng triệu người ở Tây Bá Lợi Á; lẽ nào lại tái hiện ban ngày ban mặt hôm nay?!
Nhưng đây là thế kỷ 21, là ngã tư của thế giới, là thời kỳ khoa học kỹ thuật hiện đại phục vụ con người được thấy và tìm thấy sự thật.
Những sự thật sau đây thuộc về đại chúng vì bất cứ ai thắc mắc cũng có thể tìm thấy và đối chứng dễ dàng. Về số điện thoại của các nhân vật liên hệ, xin vui lòng chỉ sử dụng trong trường hợp cần đối chứng.
Sau đây là phần trả lời ngắn gọn về những Thắc mắc đã nêu ra:
1. Thắc mắc: Thân phụ của tôi là liệt sĩ cộng sản? Sai! Ông cụ là lính thợ thời Pháp thuộc ở đồn Tòa Khâm. Sau ngày Nhật đảo chánh năm 1945, ông về quê, ngã bệnh và mất năm 1948, chẳng dính dấp tơ hào nào về chuyện chính trị cả.
2. Thắc mắc: Tôi dính líu với phong trào học sinh sinh viên tranh đấu Huế? - Sai! Tại Việt Nam trước 1975, tôi là huynh trưởng của Gia đình Phật tử Liễu Hạ (thuộc làng Liễu Cốc Hạ). Tôi không đi lính vì có hai ông anh tại ngũ và có mẹ già nên tạm được hoãn dịch gia cảnh để đi học.
Tự xem mình là một Phật tử độc lập, tôi không ở trong một môn phái hay giáo hội nào của Phật giáo cả. Tôi theo con đường của Phật dạy là lấy pháp giới làm phương tiện nhưng phải tự mình thắp đuốc lên mà đi. Tôi là đệ tử của Ôn Châu Lâm tức là Hòa thượng Thích Viên Quang (1893-1976), được ngài đặt cho pháp danh Nguyên Thọ. Tôi học ở Thầy về ngôn giáo thì ít mà thân giáo thì nhiều. Sau nầy, tôi đã lấy hình ảnh Thầy Châu Lâm để xây dựng cho nhân vật Thầy Tiều trong tác phẩm Tu Bụi
Tôi tham gia phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 đòi tự do và bình đẳng tôn giáo. Nhưng khi cờ Phật giáo đã tung bay trở lại bình đẳng với các tôn giáo bạn, khi lần đầu tiên có nha tuyên úy Phật giáo cho các chiến sĩ VNCH theo đạo Phật nằm xuống song song với nha tuyên úy Công giáo ở miền Nam, tôi hoàn toàn trở lại với việc sách đèn và không còn tham gia vào hoạt động phong trào nào khác.
3. Thắc mắc: Sau 1975 tôi được CSVN trọng dụng? - Sai!
Tháng 9-1975, tôi làm phó ban điều hành trường Nguyễn Tri Phương Huế, phụ trách chia thời khóa biểu và sinh hoạt thanh niên nhà trường vì là “thanh niên trắng” (không đi lính, dưới 30 tuổi). Hai tháng sau, ông Lê Huy Linh từ Bắc vào thay thế phụ trách thanh niên, tôi chỉ còn làm giáo vụ. Trưởng ban điều hành trường là ông Dương Văn Lộc, trung úy VNCH biệt phái; phó ban là ông Nguyễn Văn Tám cũng là thiếu úy VNCH biệt phái. Tháng 7-1977 tôi bị đuổi dạy vì trước 1975 làm việc cho Peter Downs; trong lúc tất cả giáo chức miền Nam vẫn còn được ở lại dạy học.
4. Thắc mắc: Sau 1975 tôi đội nón cối và mang xắc cốt về làng lên sân khấu chửi Mỹ Ngụy? - Sai! Tôi làm việc ở trường học thành phố Huế, mắc mớ gì lại lên sân khấu nói chuyện chính trị ở làng. Nguyễn Phi đi lính ở miền Nam và đi tù ở miền Nam ngay sau 1975, năm năm sau mới được thả. Tôi bị đuổi dạy năm 1977, nghĩa là nếu giả thử có “lên sân khấu làng” nói năng điều gì đó như Nguyễn Phi (ma) đề cập, thì chỉ xảy ra trong vòng 2 năm khi chưa mất quyền công dân mà thôi. Nếu thế thì Nguyễn Phi làm sao lại vừa đi vác Gi sắt làm sân khấu cho xã đội trưởng Nguyễn Văn Ánh ở Hương Cần, lại vừa ở tù tận trong Nam (xin kiểm chứng với ông Nguyễn Văn Lũy, hiện vẫn còn ở tại làng Hương Cần, người anh mà Nguyễn Phi nói đến trong thư: Điện thoại nhà: 054-506-100. Điện thoại cầm tay: 84-913-439-073)
5. Thắc mắc: Tôi bị thường xuyên nhận diện là đi xe Honda màu đỏ, nhà ở Tây Lộc? - Sai! Tôi chỉ có một xe Honda xanh từ 1966 đến 1982 bỏ ở làng Hải Nhuận để vượt biên. Tôi chưa bao giờ có nhà hay cư trú ở Tây Lộc cả.
6. Thắc mắc: Ông Trần Kiêm Mai, “bác” họ tôi đang ở Fullerton mắng tôi là “láo khoét” và ông Trần Kiêm Trợ, “chú” tôi ở Sacramento từ tôi vì tôi là VC? -Sai! Ông Trần Kiêm Mai là anh tôi chứ không phải bác, anh em chúng tôi thương nhau như bát nước đầy và anh TKM nhiệt tình tán thưởng tất cả sách vở và bài viết của tôi từ trước đến sau (điện thoại ông TKM: 714-495-8474 hay 714-512-9233) . Trần Kiêm Trợ là cháu của tôi chứ không phải là chú. Chú cháu chúng tôi thân thương và kính nể nhau cả thành phố Sacramento đều biết (điện thoại TKT: Cầm tay: 916-230-1831. Nhà: 916-691-2171)
7. Thắc mắc: Tôi gả con gái cho cán bộ báo chí cộng sản và kỳ thị tôn giáo? - Sai! Con rể tôi là Nguyễn Hùng, một thanh niên Công giáo có thân phụ là trưởng Cần Lao Nhân Vị Quảng Trị thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Hùng sống với chú ruột là linh mục NVN suốt thời mới lớn; hiện đang làm việc cho chính phủ tiểu bang California (muốn kiểm chứng xin mời đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo tại Sacramento vào mỗi sáng Chủ nhật để gặp Hùng, người phụ trách các lớp Việt Ngữ cho nhà thờ). Khuynh hướng chủ đạo về tôn giáo của tôi rất cởi mở và thông thoáng. Tôi quan niệm đạo là con đường để dẫn đến chân lý chứ không phải là pháo đài để tấn công nhau dành độc quyền đi tìm chân lý. Bởi vậy, hai trong ba chàng con rể của tôi là người Công giáo. Lễ cưới cử hành tại chùa và nhà thờ rất hài hoà và trang trọng với sự tham dự của bà con thuộc cả hai tôn giáo.
8. Thắc mắc: Muốn đối chứng với “Nguyễn Phi” thì gặp BS Hồ Đắc Phương, cháu rể của tôi ở Sài Gòn?- Sai! Hồ Đắc Phương chẳng biết ai tên là Nguyễn Phi cả. Nguyễn Phi thật ở San Jose đã không nhịn cười được khi nghe tin nầy. Anh lấy làm lạ hỏi vì sao muốn đối chứng với ông Nguyễn Phi giả nào đó lại phải đi gặp bác sĩ chuyên trị bệnh thần kinh Nguyễn Đắc Phương ở Sài gòn là thế nào; muốn chữa bệnh điên chăng.
9. Thắc mắc: Bài thơ Về Nguồn là bài thơ ca tụng sự trở về Việt Nam của Phạm Duy? Sai! Bài thơ Về Nguồn làm theo lối cổ phong hát nói, thường hai câu kết luận là ý xương sống toàn bài. Đây là hai câu kết luận: “Qua hết tuần trăng, bóng tối lại về.” Không lẽ “bóng tối lại về” là sự ca tụng chế độ CS, ca tụng sự trở về của PD sao? Tội nghiệp cho thơ tôi thì ít mà tội nghiệp cho sự khập khiểng hồn thơ của những “ma quỷ chống cộng tào tháo” lại nhiều!
10. Thắc mắc: Tôi về đọc tham luận tại Việt Nam và Vesak, tham dự hội nghị Việt Kiều? – Sai! Tôi chưa bao giờ đọc tham luận một mình hay hợp tác với ai ở Việt Nam cả. Tôi cũng chẳng để ý hay quan tâm đến hội nghị Việt Kiều hay sinh hoạt gì tương tự ở Việt Nam hay bất cứ ở đâu.
11. Thắc mắc: Tôi có khuynh hướng thân cộng? - Sai! - Năm 1986, tôi được anh chị em sinh viên đại học CSUS (California State University of Sacramento) bầu làm chủ tịch hội sinh viên Việt Nam (VSA). Nhu cầu xác định khuynh hướng chính trị tưởng như mơ hồ nhưng lại thể hiện rất mạnh mẽ khi đối diện với thực tế. Việc đầu tiên của VSA, theo luật lệ của nhà trường, là phải có một giáo sư cố vấn cho Ban chấp hành. Từ các năm học trước, giáo sư cố vấn là một giáo sư Việt Nam trong trường. Tôi cùng các anh em trong ban chấp hành đến tiếp xúc với vị giáo sư người Việt đó để mời làm cố vấn. Giáo sư đồng ý nhưng với điều kiện là trong các buổi sinh hoạt, VSA không được chào cờ và hát quốc ca (thật ra, đây là nếp sinh hoạt chung của sinh viên Mỹ chứ chẳng phải là thái độ chính trị gì cả). Tôi từ chối với lập luận rằng, hồn nước của kẻ tha hương chỉ còn chút biểu tượng là lá cờ. Chúng tôi ở miền Nam chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng. Tôi quyết định không mời vị giáo sư nầy nữa và đi tìm một giáo sư người Mỹ là Dr. Richard Cobb, trưởng khoa Business của trường CSUS làm cố vấn vì ông không phản đối việc VSA chào cờ và hát quốc ca mỗi lần sinh hoạt.
Những năm 1987 và 1988 tại Mỹ mà nổi bật nhất là ở California, một phong trào nổi lên đòi thay đổi cờ vàng 3 sọc đỏ và chọn bài hát Việt Nam-Việt Nam của Phạm Duy làm quốc ca thay cho bài Tiếng Gọi Sinh Viên của Lưu Hữu Phước. Tôi đã mạnh mẽ phản đối khuynh hướng nầy. Bài viết chính luận đầu tiên của tôi trên đất Mỹ về đề tài nầy là bài “Quốc Ca: Tín Hiệu hay Pháp Lệnh” góp ý rằng, mặc dầu khối người Việt tỵ nạn cộng sản tuy không còn lãnh thổ và chính quyền, nhưng vẫn còn những con người quốc gia không cộng sản hiện diện, chúng ta phải duy trì cờ vàng ba sọc đỏ và quốc ca “Này Công Dân Ơi” làm tín hiệu và biểu tượng cho quân dân miền Nam đang lưu vong ở xứ người. Bài viết nầy lần đầu đăng trên Giai Phẩm Bách Việt số 2 tháng 4-1988 của hội Bách Việt và sau đó được phổ biến rộng rãi trên các báo chí Việt Ngữ hải ngoại. Những người trong ban chấp hành Hội Bách Việt thời kỳ 1987, 1988 như bác sĩ Hoàng Gia Hùng, ông Vũ Đình Bôn, ông Huỳnh Hóa, ông Vũ Xuân Đào, ông Lê Thành Việt, ông Đặng Long Quân, ông Nguyễn Lam Sơn… hiện đang có mặt tại thành phố Sacramento. Trong cao trào vận động chính quyền các nước tự do vinh danh cờ quốc gia, tôi là người thứ 3 ký tên trong Thỉnh Nguyện Thư tại Sacramento gởi chính quyền Hoa Kỳ. Vì đây là bản văn công khai nên bất cứ ai cũng có thể ghé văn phòng lưu trữ văn thư của tiểu bang Cali để yêu cầu sao lục và đối chứng danh sách nầy.
12. Thắc mắc: Chủ trương in ấn và phát hành sách báo không được xác định rõ ràng? – Sai! Suốt gần 30 năm sống và làm việc tại Mỹ, tôi đã có gần cả chục đầu sách, gần cả trăm bài viết và các cuộc thuyết trình trước cử tọa người Việt cũng như người nước ngoài về các vấn đề liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến Việt Nam. Trọng tâm là về các đề tài văn hóa, giáo dục, văn học, nhân chủng, chính trị, tôn giáo… Đa số các cuốn sách hay bài viết đã đăng trên báo chí Việt Ngữ và Anh Ngữ hay còn được giữ dưới dạng hồ sơ lưu trữ. Trong các tư liệu nầy, tôi chỉ có 3 điều chính để nói: (1) Vinh danh và giới thiệu văn hóa dân tộc Việt Nam, (2) chống độc tài, áp đặt và ngược đãi bất cứ từ đâu đến và mang bất cứ nhãn hiệu nào, (3) kêu gọi sự hiểu biết nghiêm túc để hóa giải nguyên nhân và hậu quả những xung đột về tư tưởng cũng như hành động.
Về kỹ thuật và phương tiện truyền thông đại chúng, tôi quan niệm rằng, sản phẩm trí tuệ khi đã được viết ra và công bố dưới bất cứ hình thức nào đều trở thành tài liệu công cộng. Bởi vậy, tất cả những sách báo đã in ấn của tôi đều ở dạng “tùy nghi sử dụng, tác giả không giữ bản quyền – No copyright reserved”. Đồng thời, tác giả là người chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình chứ không phải nhãn hiệu của phương tiện truyền thông.
Khi những bóng ma đã cố tình sử dụng hết những chiêu thức tưởng tượng để phóng ra những đòn phép bôi lem người ngay thì sẽ sản xuất ra vô số “thắc mắc” chứ 12 điều trưng dẫn trên đây chưa thấm vào đâu. Tôi tin vào đạo lý của con người “thiện ác đáo đầu chung hữu báo” nên rất thanh thản và an lạc trước mọi sự khen chê, thản nhiên về những đòn phép gian tà đang và sẽ xảy ra trong môi trường truyền thông đại chúng. Tạm thời, tôi chỉ mong dư luận nếu muốn biết những khía cạnh liên quan đến quan điểm và khuynh hướng chính trị, tôn giáo, xã hội, học vấn, việc làm… của tôi thì xin vui lòng ghé vào trang thông tin điện tử của tôi ở địa chỉ: www.Trankiemdoan.net
Kết luận
Thế hệ già đang đi qua, thế hệ trẻ đang tới. Nếu thế hệ đàn anh không tự giúp mình và giúp nhau ngoi lên được khỏi cái vòng lẩn quẩn của tâm lý cực đoan, không định hướng, chụp mũ, chống báng, chối bỏ nhau, thế hệ đàn em sẽ trở thành người xa lạ với lý tưởng quốc gia dân tộc mà chúng ta đang ra sức đấu tranh. Người Việt mà nhất là tuổi trẻ ở nước ngoài càng lâu càng có khuynh hướng trở thành “con cháu ngoại” của đất nước và cộng đồng dân tộc tại địa phương mình ở. Có tương kính và tương thân thì tham gia sinh hoạt với “người mình”. Ngược lại, thì sinh hoạt với người xứ khác chẳng thiếu gì trong xã hội Mỹ. Sự tha hóa hay giữ được giống nòi nơi đất khách là trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ đàn anh.
Duy thức học Phật giáo trong quá trình phân tích cuộc đấu tranh thiện ác trong tâm thức của mỗi con người đã nói rằng, xung đột nên hóa giải, định kiến nên buông bỏ, hoài nghi nên giải trừ thì tâm ác sẽ tiêu tan, tâm lành mới hiển lộ; cũng như chỉ có ánh sáng mới xua tan bóng tối. Ước mong những con ma sớm trở lại làm người – mẩu người lương thiện.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, tháng 11, 2009
No comments:
Post a Comment