06 November 2009

Từ Bát Nhã đến Phước Huệ: Khi cánh chim xa đàn


Nhưng mỗi anh chị em tôi đều là con dân nước Việt, chúng tôi có quyền được tu chung với nhau chứ. Chúng tôi có quyền được sống một cuộc sống chân thật và giản dị. Được cất lên tiếng hát trong bình minh nắng sớm, trong đêm trăng hiền dịu . Được quyền xây dựng những giá trị nhân văn của cha ông để lại, khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc . Qúy vị không đúng cũng không sai và chúng tôi cũng không tự cho mình là đúng hay là sai ? Nhưng quý vị có trái tim, quý vị hãy để cho trái tim được nói tiếng nói chân thật của lòng vị tha, của xúc cảm trong mỗi con người. Qúy vị có khối óc, hãy để cho khối óc tư duy để thấy được những giá trị trong cách sống của kiếp người .

Thích Quảng Kim, Thích Tâm Hỷ, Thích Tâm Lạc



Từ Bát Nhã đến Phước Huệ (Kể về những sự việc đau thương xảy ra cho Tăng Ni tại Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Mùa đông về rồi. Nếu một sáng sớm mùa đông hay vào những buổi chiều hôm , bạn đứng thật yên tĩnh trong khu vườn của nhà bạn hay một nơi nào đó để ngắm nhìn và lắng nghe tiếng chim di trú…Chỉ đứng yên như thế và quan sát cũng là cơ hội quý giá để bạn học từ chúng một bài học xứng đáng...Từng đàn chim én di cư vào nam tránh rét nơi đất bắc, từng chú chim cùng nhau bay trên một quãng đường dài thành một dãi liên tục.. khi di cư chúng bay cả đàn lớn như vậy nhưng bạn sẽ không tìm thấy đâu là con chim đầu đàn . Đàn chim én là một hợp thể

…Chúng tôi đã bị đánh bật ra khỏi nơi mình đang sống, chúng tôi cũng học bài học ấy từ loài chim én. Chúng tôi có mặt trong nhau và bên nhau trong từng giây phút của sự sống. Chúng tôi cũng là một hợp thể .Chúng tôi bay đi trú đông và tìm một nơi ấm áp và an toàn để dừng chân và cũng là tiếp tục con đường yêu thương và hiểu biết mà Bụt đã dạy. Phương Bắc đón chào chúng tôi là chùa Phước Huệ thân thương.

Vì hoàn cảnh, vì điều kiện và vì sự ép uổng từ chính quyền, một số anh chị em chúng tôi bị buộc phải rời xa tăng thân đang tị nạn tại Phước Huệ để trở về nhà. Rời xa huynh đệ, rời xa môi trường sống tu học, rời bỏ khó khăn mà những bạn đồng tu của mình đang gánh chịu. Tôi đã khóc, tôi đã khóc thật sự .

Giọt lệ là một cái gì rất lạ, nó ứa nơi đôi mắt xinh xắn nhưng lại làm mềm ở trái tim nóng bỏng . Đôi mắt nhòa đi rồi sáng lên nhưng con tim nhói đau và dâng trào cảm xúc thì phải cần thời gian để chữa lành .Tôi nhớ tới câu thơ mà Thầy tôi đã viết:‘‘Hãy khóc cho lòng người thêm đẹp ’’

Khóc- theo một quan niệm nào đó- đó là sự xúc cảm của khổ đau dâng lên đến một cao độ khiến người ta bật lên tiếng nấc, và nước mắt theo đó tuôn trào. Đó là tiếng nói đặc biệt và chính xác nhất của nỗi đau thương khi mà ngôn ngữ không có khả năng để diễn tả nó một cách trọn vẹn được. Theo nghĩa ấy, tôi có thể loại trừ ra những lần trong đời , chúng ta chỉ ứa lệ hay nghẹn ngào qua một phút xúc động nào đó. Và cũng theo nghĩa ấy, tôi biết tôi chưa thực sự khóc bao giờ kể từ khi tôi bước chân vào tu viện .

Ấy vậy mà tôi đã tự lừa dối mình, lừa dối con tim của chính mình, khi gặp đau thương, gặp biến cố lớn của cuộc đời bạn cũng như tôi có thể được khóc mà. Tôi không khóc cho hoàn cảnh hiện tại của mình, mà tôi khóc cho huynh đệ, khóc cho thân phận của con người, của quê hương đất nước .

Công an và chính quyền Bảo Lộc kết hợp với nhau tạo sức ép lên ôn trụ trì, buộc huynh đệ chúng tôi phải rời tăng chúng của mình đang tị nạn tại Phước Huệ ngay trong giữa đêm khuya 29.09.2009 .

Tôi đã tự nhận ra con tim chân thành của mình khi được sống trong chúng. Tình huynh đệ, tình tỷ muội đã làm ấm lại con tim của tôi, chúng tôi sống với nhau bằng con tim chân thành không toan tính. Chỉ chừng ấy thôi cũng đã ghi dấu ấn đậm nét trong tâm hồn của mình. Ấy vậy mà tôi và mười lăm anh chị em bị buộc phải rời xa tổ ấm của mình.

23h45 đêm 29.09.2009 chuyến xe lăn bánh đưa mấy anh chị em tôi đi trong nước mắt. Tôi không dám tin đây là sự thật. Tôi vẫn biết đây không phải là cuộc phân kỳ mãi mãi. Mình chỉ tạm đi, khi nào tình hình tạm yên lắng thì mình về lại với các anh chị em. Dù biết như vậy nhưng nước mắt cứ chảy tràn. Có lẽ một phật tử nào đó nếu thấy tâm trạng tôi lúc này sẽ thắc mắc “vì sao một người tu mà khóc nhè như vậy? Đi tu mà sao nhiều đau khổ vậy?...” Đừng bảo người tu không được khóc ?

Quãng đường vắng, không một bóng xe, con đường độc đạo từ thị xã Bảo Lộc xuôi về quốc lộ 1A , càng làm cho cảm xúc trong tôi dâng trào. Ngày đau thương 27.09, 28.09, và giờ đây huynh đệ tôi không biết lại phải chịu bao nhiêu khó khăn, càng nghĩ nước mắt lại cứ tuôn trào. Tôi nhớ lời thầy dạy “thở đi con đừng lo lắng”. Tôi thở và quay về trú ẩn bên trong sâu thẳm của yên tĩnh, của bình an của trong sáng và tự do. Để cho khổ đau có cơ hội nở thành hoa trái của tình thương, của hạnh phúc Hơi thở ôm ấp, hơi thở làm dịu đi mọi tâm hành, mọi suy tư, mọi mệt mỏi trong tâm và trong thân thể của tôi . Những thỗn thúc trong lòng, những đau nhức trong thân đang được chở che an toàn bởi hơi thở. Sau hai ngày thiếu ăn và thiếu ngủ tôi thiếp đi lúc nào không hay trên bờ vai một người bạn đồng tu của mình .

8h sáng 30.09.2009 sau hơn bảy tiếng ngồi trên xe tôi có mặt ở nhà. Quê tôi đây rồi, vẫn còn mẹ còn ba , vẫn là hàng dừa trước ngỏ! Nhưng tôi còn một quê hương máu thịt nữa đó là anh chị em tôi đang ở Phước Huệ .Khi xa rồi tôi mới thấy thật rõ ràng nỗi đau khi bị bắt buộc phải rời xa tăng thân. Tôi thấy tôi và tăng thân tôi là một cơ thể từ lâu lắm rồi!

May sao tôi có một sư em cùng địa phương về nên chúng tôi có dịp nâng đỡ nhau hơn, chúng tôi dọn tới ở cùng nhau để thuận tiện cho việc tu học khi phải xa chúng. Tôi chuẩn bị rất nhiều tâm lý để đón nhận những sự kiện sẽ đến với mình mặc dầu tôi không biết những biến cố phía trước là gì nữa đây .

Trong những ngày rời xa tăng thân đầu óc và trái tim tôi luôn hướng về anh chịu em tôi đang ở Phước Huệ và và có lúc suy nghĩ vẫn vơ về những tháng ngày êm đềm ở Bát Nhã. Nghĩ đến quý thầy, quý sư cô đang ở chùa Phước Huệ để lo công việc của Tăng thân trong khi tôi vẫn bình an, được ngồi yên ở nhà, cơm ngày ba buổi. .Tôi đi những bước chân thật bình an cho anh em tôi, tôi chế tác những tâm niệm trong lành cho tất cả mọi người Ở đây không có gối ngồi, không có tọa cụ, tôi lấy mền làm tọa cụ. Sáng ngồi thiền xong, tôi ra nhổ cỏ trước sân, còn sư em thì lo thức ăn sáng. Chúng tôi chia phiên nhau nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Rõ ràng là tu tập với Tăng thân vẫn hạnh phúc hơn nhiều. Những lúc mình lười biếng nhưng nghe thỉnh chuông đi thời khóa thì mình cứ đi, có năng lượng của Tăng thân, rồi dần cũng trở nên siêng; còn ở đây không ai sách tấn, muốn làm gì thì làm. Tôi sợ mai mốt mình sẽ hư tâm mất. Tôi chưa biết đối trị như thế nào với tâm giãi đãi đang có trong tôi .

Tôi nhớ các anh chị em tôi như chưa có nỗi nhớ nào bằng. Tôi nhớ lắm! Tôi nhớ xóm Rừng Phương Bối, nhớ các thầy, các sư chú hiền từ dễ thương , Tôi nhớ Mây Đầu Núi, Bếp Lửa Hồng nơi đó tôi có những người chị, người em, tôi đã có những tháng ngày sống hạnh phúc…

Bây giờ Bát Nhã là miền ký ức rất đẹp, đã trở thành một huyền thoại trong đời. Dù đã trãi qua nhiều bão giông nhưng tôi thấy mình hụt hẫng với những gì vừa xảy đến. Thấy mình như vậy, tôi thương cho các sư em nhỏ của tôi, nỗi đau, và sự vất vả của các em sẽ nhiều hơn tôi gấp bội, bởi các em còn quá nhỏ để đón nhận những nỗi đau này. Nhiều buổi ngồi thiền ở nhà, tôi nhớ thiền đường Cánh Đại Bàng, nhớ những giọng hô canh trầm hùng và sâu lắng. Tôi nhớ lắm, nhớ đến nghẹn ngào !

Hai huynh đệ tôi sau ba ngày nghỉ ngơi, chúng tôi bàn nhau làm sao duy trì sự thực tập khi ở nhà. Kết quả là chúng tôi cùng thống nhất và đưa ra thời khóa làm sao duy trì viết sổ công phu, ngồi thiền đọc kinh, nghe pháp thoại, chấp tác và với thời khóa hẳn hoi như sau :

3h: thức dậy

4h30: ngồi thiền, kinh hành, sám pháp địa xúc

6h30: Ăn sáng

8h: Tự học

11h: Ăn trưa

12h: Chỉ tịnh

13h30: Thức dậy

14h: Nghe pháp thoại

16h30: Ăn chiều

19h: Ngồi thiền, đọc kinh/ Viết sổ công phu

Chúng tôi cùng tu với nhau như một tăng thân nhỏ, không thể so sánh với thời gian được sống trong đại chúng. Nhưng nhờ có anh có em cùng tu nên mỗi chúng tôi tìm được bình an trong thời gian ở nhà với gia đình .

Hổ ly sơn hổ bại

Tăng ly chúng tăng tàn

Trong thời gian này tôi càng thấy câu nói mà các bậc cha anh đi trước sâu sắc hơn rất nhiều so với thời gian tôi được cùng tu với đại chúng. Ba mẹ tôi chu cấp cho huynh đệ chúng tôi không thiếu gì về mặt ăn uống và nhu cầu sinh hoạt. Bật tivi lên thì không biết bao nhiêu là chương trình, những chương trình nuôi dưỡng và phù hợp thì ít mà ngược lại thì nhiều. Nếu không biết giữ mình tôi sẽ tự đánh mất rất nhiều khi xa môi trường tu của tăng thân . Tu học mà rời xa tăng chúng thì cũng như cọp lìa rừng.

Những giá trị tu học trong thời gian tôi được ở Bát Nhã thì nay được biểu hiện rõ nét. Tôi thấy mình chưa có nhiều khả năng để sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Được sống với ba mẹ đó là một cơ hội, ấy vậy mà tôi chưa đủ khả năng có mặt đích thực cho ba mẹ của mình. Trái tim và cả con người của tôi luôn hướng về Phước Huệ .
Bạ mẹ ơi ! Ba mẹ thứ lỗi cho nghen, con đâu có muốn như vậy, nhưng trái tim con giờ đây không còn nhỏ hẹp như ngày xưa nữa. Tình thương của con không còn chỉ dành cho gia đình huyết thống mà con còn dành cho gia đình tâm linh của mình nữa. Con được sống bình yên, được ngủ giường êm, chăn ấm, được sự quan tâm chu đáo của ba mẹ và cô, dì, chú, bác . Trong khi đó tại ngôi chùa Phước Huệ, các bạn đồng tu của con không biết phải chịu bao nhiêu cay đắng từ mọi phía, và đặc biệt là khó khăn đến từ chính quyền thị xã Bảo Lộc. Phật tử tại Bảo Lộc thương anh chị em chúng con lắm, quý vị bảo bọc, lo cho anh chị em của con từng miếng cơm manh áo, họ đâu có muốn đuổi chúng con ra khỏi chùa Phước Huệ. Vậy mà chính quyền Bảo Lộc cho phát loa phóng thanh chỉa vào chùa với ngôn ngữ tráo trẽn “ phật tử chùa Phước Huệ tại thị xã Bảo Lộc yêu cầu tăng thân Bát Nhã mau chóng rời khỏi đây ngay trong ngày hôm nay ”. Công an ngày nào cũng vào hạch sách và muốn đuổi anh chị em ra khỏi chùa, bạn bè thân hữu nghe tin đến thăm thì bị gây khó dễ. Rồi còn biết bao khó khăn khác .

Đầu cúi xuống, xin cho mưa thôi rơi!
Đầu cúi xuống, hòa theo nhịp đất trời!

Hứng cam lộ rửa bụi trần trôi hết.
Đâu là mưa ? đâu nước mắt em tôi ?

Có rất nhiều sư em ở độ tuổi còn rất nhỏ, các em nhỏ về rất nhiều mặt, các em còn hồn nhiên và vô tư lắm. Các sư chú Pháp Nhi, Pháp Dĩnh, Pháp Hoan và các sư cô Năng Nghiêm, Hoạt Nghiêm, Đôn Nghiêm, Tài Nghiêm.v..v. và còn rất nhiều sư em nhỏ tuổi khác, các em này còn chưa bước qua tuổi mười sáu. Các em có tội tình gì đâu mà phải chịu nhiều cay đắng, nhiều oan nghiệt đến như vậy ? Hay đó cũng là cơ hội để chúng tôi được thử thách tình thương và sự hiểu biết trong tâm mình.

Ba mẹ ơi ! Các anh chị em con còn đang bị kẹt trong tình huống như vậy thì làm sao con lại không nghĩ về họ được. Ân nghĩa sinh thành và dưỡng nuôi của ba mẹ con trọn đời khác ghi, và ân nghĩa với thầy tổ và huynh đệ đã cho con một con đường đẹp một cách sống chân thật cũng lớn lao như ân nghĩa đối với ba mẹ vậy. Con được học và con cũng đã tự chiêm nghiệm nên thấy được rằng, con đã đi tu và cách báo hiếu của người tu là sống sao cho thật đẹp và chân thật, chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau. Có những giá trị ấy trong con người của mình rồi giúp ba mẹ cùng tu để thấy được và nhờ con tu, ba mẹ cùng tu nên mỗi chúng ta đều có được bình an trong tự thân. Đó là cách báo hiếu của người tu thôi ba mẹ à ! Cho con hôn lên đôi má gồ ghề sạm nhăn của ba mẹ. Thương ba mẹ nhiều !

Chúng tôi là con sóng của biển cả bao la, là dòng sông, là nước, là đàn én mùa xuân. Chính quyền và công an Bảo Lộc muốn xé lẽ chúng tôi. Qúy vị đã thành công về mặt hiện tượng, một số anh chị em như tôi đã phải rời xa chúng, rời xa nơi cư ngụ mà giá trị con người, giá trị tâm linh, giá trị của tình yêu quê hương đất nước luôn được đề cao. Nhưng về mặt bản thể làm sao quý vị có thể tách rời chúng tôi ra được. Làm sao mà quý vị có thể tách rời con sóng ra khỏi biển cả, làm sao có thể lấy đi tình yêu quê hương nước Việt, làm sao cản bước đàn én bay về phương nam, làm sao có thể lấy đi cách sống chân thật nơi mỗi chúng tôi . Anh chị em tôi không hề hờn oán hay đổ lỗi cho bất cứ ai. Nhưng mỗi anh chị em tôi đều là con dân nước Việt, chúng tôi có quyền được tu chung với nhau chứ. Chúng tôi có quyền được sống một cuộc sống chân thật và giản dị. Được cất lên tiếng hát trong bình minh nắng sớm, trong đêm trăng hiền dịu . Được quyền xây dựng những giá trị nhân văn của cha ông để lại, khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc . Qúy vị không đúng cũng không sai và chúng tôi cũng không tự cho mình là đúng hay là sai ? Nhưng quý vị có trái tim, quý vị hãy để cho trái tim được nói tiếng nói chân thật của lòng vị tha, của xúc cảm trong mỗi con người. Qúy vị có khối óc, hãy để cho khối óc tư duy để thấy được những giá trị trong cách sống của kiếp người .

Nguyện cầu cho anh chị em tôi đang ở Phước Huệ và những anh chị em bị tản cư về nhà, có đủ kiên cường và dũng khí để vượt qua khoảng thời gian mà khó khăn và giông bão luôn luôn rình rập .

Đêm nay cầu cho khổ đau trái kết hoa thành
Cho sinh diệt đi ngang dòng pháp thân bất diệt
Cho suối tình thương chảy tràn trên vạn lòng tha thiết
Để loài người học tiếng nói chân như
Để tiếng nói trẻ thơ thành giọng chim ca .


Người viết : Thích Quảng Kim, Thích Tâm Hỷ, Thích Tâm Lạc


No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers