Những ai quan tâm tới vận mệnh đất nước –từ các chuyên viên, trí thức, nhà báo, nhà văn, sinh viên, học sinh và cả những đảng viên CS vẫn biết quí lòng tự trọng – đều rất ngậm ngùi thương cho số phận của nhân dân và lo cho tương lai của đất nước, hổ thẹn vì một nước có bốn ngàn năm văn hiến mà lại có những người đứng đầu tồi tệ như thế được! Mọi người đều cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm, không thể khoanh tay đứng nhìn những kẻ bất tài vô đức và mất tư cách vẫn ngạo mạn và tàn bạo tiếp tục cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân! ? Âu Dương Thệ |
Năng lực và tác phong của một số nhân vật trước Đại hội 11 sắp tới
* Thủ tướng vô quyền nhưng lại thích nổ
* Bộ trưởng Nội vụ đổ lỗi cho lối lãnh đạo tập thể
* Chấm điểm và tự cho điểm của Chủ tịch QH
Một nguyên tắc căn bản là giường cột trong sinh hoạt chính trị của các nước dân chủ và văn minh là, người cầm đầu chính phủ - dù xuất thân từ bất cứ một chính đảng nào - đại diện và bảo vệ quyền lợi của nhân dân và do đó chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân. Những người cầm đầu ĐCSVN đã đưa ra tiêu chí xây dựng một xã hội dân chủ và văn minh và chính quyền là của nhân dân. Các cơ quan Nhà nước từ Chính phủ, Quốc hội, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân tối cao…đều là đảng viên của ĐCS. Nhưng khi hành xử quyền hành để xây dựng đất nước và giải quyết những khó khăn thì những người cầm đầu các cơ quan Nhà nước đứng trên tư cách nào? Tư cách là người đại diện của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân? Hay lấy tư cách là đại diện nhân dân, nhưng lại chỉ chịu trách nhiệm trước ĐCS, mặc kệ những bức xúc của nhân dân? Đây là vấn đề then chốt, cần phải được làm sáng tỏ trắng đen.
Trong kì họp Thứ sáu của Quốc hội (QH) Khóa 12, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức một số buổi chất vấn Thủ tướng (TT) Nguyễn Tấn Dũng và một số bộ trưởng về những bức xúc của nhân dân và các nổi cộm của xã hội. Những người đứng đầu các cơ quan chính của quốc gia đã trả lời như thế nào? Năng lực của họ ra làm sao? Tư cách của họ có xứng đáng không? Họ có phải là những chính khách quốc gia có tài cao, đức trọng và uy tín? Hay chỉ là những cán bộ cấp cao của ĐCS và chỉ thi hành mệnh lệnh của của một vài người có quyền lực nhất trong Bộ chính trị (BCT)?
Kì họp Thứ sáu của QH Khóa 12 vừa kết thúc ngày hôm nay (27.11) đã để lại một „ấn tượng“ đặc biệt, nó giống hệt như khi người ta nghe và nhìn trên TV khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố ở Cuba ngày 28.9. 09! Không phải một vài đại biểu đã đặt những câu hỏi thẳng thắn đã gây ấn tượng tốt, nhưng chính là các lời tuyên bố và thái độ của vài người đang „gánh trọng trách của đất nước“ đã tạo ra một ấn tượng đặc biệt. Những chuyện có thật, nhưng lại tưởng như nói đùa, nói chơi, nói phét trong những quán nhậu đã thoát ra từ cửa miệng một số người vẫn tự vỗ ngực là, ra gánh vác trách nhiệm trước nhân dân và đất nước. Họ đã tuyên bố ngay trong hội trường QH, cơ quan „quyền lực cao nhất“ của chế độ độc tài toàn trị và đã được truyền tải trên các báo và đài.
Thủ tướng vô quyền nhưng lại thích nổ !
Hai vấn đề đang gây bức xúc nhất trong nhân dân và nổi cộm nhất của chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN là tệ trạng tham nhũng và việc mua quan bán chức. Khi nhận chức Thủ tướng vào tháng bẩy 2006 Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố với nhân dân, coi đây là hai trọng tâm hoạt động của chính phủ dưới quyền của ông. Vì thế không chỉ là TT, ông Dũng còn là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng (TBCĐTU PCTN).
Trong ngày 19.11 một số đại biểu QH đã nêu thẳng vấn đề là, trái với những lời hứa trước đây của TT, nhưng tại sao tệ trạng tham nhũng tiếp tục gia tăng? Nguyễn Tấn Đũng đã trả lời:
"Có thể nói bằng sự nỗ lực kiên quyết của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu như nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế công khai minh bạch theo kinh tế thị trường để nhân dân kiểm soát, quan tâm"
Nghĩa là sau hơn ba năm làm TT và TBCĐTU PCTN, nhưng ông Dũng xác nhận mới chỉ làm được là „nâng cao nhận thức, trách nhiệm“ của cán bộ, đảng viên trong việc chống tham nhũng này. Nhưng các lời hoa mĩ này cũng chẳng làm ai tin. Bởi vì thực tế đã phủ nhận những lời của Nguyễn Tấn Dũng! Thật vậy, trong hơn ba năm làm TT, nhưng cán bộ, đảng viên dưới quyền đã không „nâng cao nhận thức, trách nhiệm“ trong việc chống tham nhũng, mà ngược lại đã coi thường việc này, khinh thường các quyết định của Nguyễn Tấn Dũng. Vì theo lời của một số đại biểu, nhiều chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh và thành phố đã phớt lờ các chỉ thị của TT. Cấp dưới không trọng cấp trên cũng là điều dễ hiểu, vì chính họ đã thấy sự bất lực và tác phong gian dối nói một đằng làm một nẻo của Nguyễn Tấn Dũng trong nhiều sự việc suốt trên ba năm làm TT. Đăc biệt là thái độ vô trách nhiệm và cố ý đạp lên luật pháp của chính người cầm đầu chính phủ. Rõ ràng nhất là „vụ tham nhũng cực kì nghiêm trọng PMU 18“.
Mọi người đều biết, đầu tháng 7.2006 khi nhậm chức TT, Nguyễn Tấn Dũng đã chủ ý đưa ra một đòn ngoạn mục cho những hoạt động đầu tiên trong tư cách TT nên đã tuyên bố, sẽ đem ra xét xử 7-8 vụ tham nhũng đang nổi cộm và gây bức xúc trong xã hội vào thời điểm đó. Trong số này đặc biệt phải kể tới vụ PMU 18 đã khiến cả Tướng Võ Nguyên Giáp phải kết luận đây là vụ tham nhũng „cực kì nghiêm trọng“. Tiếp đó Nguyễn Tấn Dũng còn ra Nghị định số 107 ngày 22.9.06 qui định, nếu trong bộ hay cơ quan nào để xẩy ra tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan này phải chịu trách nhiệm. Chính vào dịp đó ông Dũng còn dõng dạc hô hoán rằng: Sẽ trừng trị nghiêm khắc những quan tham nhũng bất kể người đó đang giữ chức vụ gì!
Nhưng các diễn tiến trong vụ xét xử PMU 18 từ sau Đại hồi 10 trở đi thì lại hoàn toàn đối chọi nhau như trắng với đen, ngày với đêm giữa luật pháp, lời nói và hành động của Nguyễn Tấn Dũng. Cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được tha, nhiều quan lớn trong bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn bình chân như vại, mặc dù dính líu trong việc ăn bẩn và chia chác nhau hàng ngàn tỉ đồng từ tiền trong các công trình xây dựng cầu đường của Bộ Giao thông vận tải. Cả con rể của Nông Đức Mạnh từng làm trong PMU 18 cũng không ai dám đụng tới. Trong khi đó, nhiều nhà báo viết bài tường thuật và sĩ quan công an cao cấp điều tra vụ PMU 18 lại đã bị đưa ra tòa! Vì thế, vụ án tham nhũng PMU 18 đã chứng tỏ sự bất lực của các cơ quan pháp luật, sự vô quyền của Nguyễn Tấn Dũng và sự trâng tráo ngạo mạn của những người có quyền lực hiện nay của chế độ toàn trị!
Hơn ba năm trước, khi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng vừa ra đời, căn cứ vào năng lực cũng như tác phong của Nguyễn Tấn Dũng và nhất là cơ chế tổ chức và vận hành quyền lực của chế độ toàn trị CSVN, nên chính người viết đã đưa ra nhận định là, „Ban Chỉ đạo Trung ương phòng và chống tham nhũng do Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu chỉ là hổ không răng“!
Cũng trong buổi trả lời chất vấn tại QH ngày 19.11 liên quan tới việc tham nhũng của các quan lớn trong vụ PCI với các công ti Nhật và việc in tiền Polymer ở Úc, thay vì nhìn nhận sự yếu kém của pháp luật của chế độ toàn trị và sự bất lực của những người cầm đầu đảng và nhà nước, Nguyễn Tấn Dũng lại lên giọng dạy đời và tô hồng chế độ, lên giọng làm bộ như luật pháp của họ rất nghiêm minh và họ biết trọng uy tín quốc gia. Khi giải thích về việc tại sao chính phủ đã không mở điều tra sớm và rốt ráo trong các vụ này thì ông Dũng đã trả lời rất đao to búa lớn:
"Thái độ của Đảng và Nhà nước, của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương là làm một cách quyết liệt, khách quan, đầy đủ, nghiêm túc theo pháp luật Việt Nam, không sót một người nào và cũng không oan một người nào."
Khi nói Đảng, Nhà nước và chính ông ta với tư cách TT „quyết liệt, khách quan, đầy đủ, nghiêm túc theo pháp luật VN…“ Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tìm cách đánh bóng chính mình và chế độ toàn trị, làm như họ có quyết tâm trong việc chống tham nhũng. Không những thế, ông Dũng con tô hồng là luật pháp của chế độ rất nghiêm minh trong việc chống tham nhũng. Đấy là chưa kể, khi nhấn mạnh “nghiêm túc theo pháp luật VN“ Nguyễn Tấn Dũng còn cố tình mị dân, ru ngủ lòng tự tôn dân tộc để đánh lạc hướng trong dư luận. Nhưng ông Dũng không đánh lừa được ai, họa chăng là tự giả dối với chính mình!
Thật vậy, người dân trong nước, các tổ chức quốc tế và nhiều chính phủ dân chủ trên thế giới theo dõi các vụ PCI và Polymer đều thấy rất rõ là:
1. Luật pháp của chế độ toàn trị ở VN là luật cao su, xử thế nào cũng được đối với các cán bộ và đảng viên tham nhũng –như chính cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Ủy viên Trung ương đảng Nguyễn Văn Hiện đã từng xác nhận. Các bản án đã được quyết định sẵn do các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, các vụ nhỏ ở địa phương thì do các Ủy viên có quyền lực trong các cấp Ủy tại quận, tỉnh hay thành phố; còn các vụ xét xử lớn thì do Ban Bí thư hay BCT đã định sẵn và các Chánh án các Tòa án nhân dân phải thi hành. Vụ án cựu Giám đốc Nông trường Sông Hậu và nguyên Anh hùng Lao động bà Trần Ngọc Sương đã là chứng minh mới nữa về việc đứng trên pháp luật của các cơ quan Đảng. Ủy viên Trung ương đảng kiêm Bí thư thành ủy thành phố Cần thơ Nguyễn Tấn Quyên đã ra lệnh cho các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án Nhân dân đưa bà Sương ra tòa. Hiện nay dư luận trong nước rất bức xúc và nhóm cầm đầu chế độ đang phải tìm cách xoa dịu!
2. Những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN đã cố tình trì hoãn và chống lại việc điều tra các quan lớn của chế độ toàn trị từng đã tổ chức và dính dấp trong các vụ tham nhũng hàng triệu Mĩ kim này. Chỉ khi nào áp lực của nước ngoài quá mạnh thì họ mới buộc lòng phải xem xét hồ sơ. Nhưng ngay cả trong trường hợp này họ cũng không làm việc nghiêm túc, mà lại lươn lẹo tìm cách chạy tội cho các thủ phạm và để cho các quan lớn hơn được hạ cánh an toàn.
Thí dụ rõ ràng như trong vụ PCI, nhóm cầm đầu chế độ toàn trị ở VN lúc đầu đã khăng khăng từ chối không cho điều tra và cũng chẳng tham khảo các hồ sơ của các tòa án Nhật đã cung cấp. Mãi cho tới cuối năm 2008 khi chính phủ Nhật công khai cắt đứt viện trợ ODA lên tới cả hàng tỉ Mĩ kim thì khi ấy nhóm cầm đầu mới xuống nước cho mở điều tra và phải để cho cả Nông Đức Mạnh người cầm đầu chế độ phải thân hành sang Nhật xoa dịu. Nhưng họ cũng không điều tra nghiêm túc, trái lại đã chỉ tìm cách bắt vài con tép, còn các con cá sộp vẫn tung tăng bơi lội! Không những thế, để bảo vệ cho vây cánh họ còn lươn lẹo làm nhẹ tội cho những người bị đưa ra xét xử, Huỳnh Ngọc Sỹ, Trưởng ban Dự án Đại lộ Đông-tây ở Sài gòn thay vì bị tội „nhận hối lộ“ chia chác với các quan lớn khác hàng triệu Mĩ kim, chỉ còn là „lợi dụng chức vục quyền hạn trong khi thi hành công vụ“.
Trong vụ in tiền Polymer ở Úc có liên hệ tới con trai của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước và Ủy viên Trung ương đảng Lê Đức Thúy, hiện nay Nguyễn Tấn Dũng cũng đang âm mưu áp dụng thủ đoạn tương tự là bao che cho phe nhóm và bảo vệ cho những quan lớn tham nhũng đang có quyền lực!
Khi mới nhậm chức TT, Nguyễn Tấn Dũng huyênh hoang tuyên bố sẽ nghiêm trị những quan tham nhũng và viên chức coi thường luật pháp, bất cứ người đó đang giữ chức vụ gì. Nhưng trong cuộc chất vấn tại QH ngày 19.11 khi một số đại biểu bức xúc đặt câu hỏi, tại sao nhiều viên chức đã vi phạm kỉ luật mà tới nay vẫn không bị xử lí? Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết:
“Thủ tướng có quyền nhưng xử lý kỷ luật thì vẫn phải thực hiện theo trình tự của pháp luật, theo tính chất vụ việc và cả theo quy định của Đảng nữa. Việc này Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ hết sức cố gắng làm đầy đủ, chức năng quyền hạn của mình.“
Nói như thế có nghĩa là, khi các bộ trưởng, chủ tịch UBND và HĐND vi phạm kỉ luật thì TT không được phép và cũng không giám cách chức hay khiển trách mà phải trình Ban Bí thư Trung ương và chờ quyết định của BCT theo đúng „qui định của Đảng“! Nghĩa là TT chỉ ngồi chơi xơi nước và thỉnh thoảng phải tuyên bố nẩy lửa tạo một tin tưởng giả tạo! Muốn nắm ghế TT thì phải có trách nhiệm với Đảng, mà ở đây là BCT do một vài người có thế lực thao túng. Trong chế độ độc tài toàn trị, TT không chịu trách nhiệm trước nhân dân như trong một chế độ dân chủ đa nguyên!
Suy nghĩ và hành động theo lệnh của một vài người có thế lực nhất trong BCT đã trở thành quán tính của Nguyễn Tấn Dũng. Cho nên ông còn cho biết một cách rất tự nhiên: „Tôi nhớ ba năm nay cũng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào” Khi nói đến đây Nguyễn Tấn Dũng còn hãnh diện ví hành động của mình tương tự với thái độ của Phạm Văn Đồng, từng làm TT trên 32 năm (1955 -1987):
“Tôi còn nhớ hồi đồng chí Phạm Văn Đồng còn làm Thủ tướng, dù có lẽ là Thủ tướng lâu nhất của đất nước nhưng đồng chí cũng chưa xử lý, kỷ luật đồng chí nào, kể từ chủ tịch xã, phường trở lên. Tôi nhớ ba năm nay cũng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào.“
Những câu trên đây không phải là nói đùa cho vui, cách nói của những anh chàng trong một quán nhậu đã ngà ngà say sưa! Những câu trên là một chuyện thật, từ một nhân vật đứng đầu chính phủ đã nói oang oang trong hội trường QH của chế độ XHCN!
Nhưng ở đây Nguyễn Tấn Dũng lờ đi một việc mà chính Phạm Văn Đồng vào những năm cuối của cuộc đời đã tự bộc lộ và phải nhìn nhận là, tuy làm TT lâu đời nhất nhưng chẳng có thực quyền gì, mọi việc đều phải tuân hành nguyên tắc „tập trung dân chủ“, nghĩa là chỉ một vài ủy viên BCT có quyền lực nhất trong từng thời kì thao túng tất cả!
Mặc dầu biết rằng cầm đầu chính phủ nhưng vẫn vô quyền, nhưng khi trả lời chất vấn tại QH ngày 19.11 Nguyễn Tấn Dũng vẫn tỏ ra thỏa mãn và hãnh diện, bệnh nổ vẫn cao, không thấy rằng mình chỉ là cái thùng rỗng kêu to! Điều này cho thấy ông Dũng chỉ tham quyền, năng lực lại kém. Như thế Nguyễn Tấn Dũng tự chứng tỏ tác phong và tư cách như thế nào! Nhưng nếu xét về mặt giáo dục và tuyển chọn nhân sự ở các cấp cao của ĐCSVN thì đây không phải là cá tính riêng của ông Dũng, mà nó là đặc thù chung của chế độ toàn trị. Chính điều này nhiều „cách mạng lão thành“, như cố TT Võ Văn Kiệt, cố Ủy viên BCT Mai Chí Thọ, Trung tướng Đặng Quốc Bảo và gần đây Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên TUĐ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương hiểu rất rõ nội tình chế độ này cũng xác nhận.
Bộ trưởng Nội vụ đổ lỗi cho tập thể !
Lãnh vực nổi cộm thứ hai hiện nay trong chế độ độc tài toàn trị ở VN là việc mua quan bán chức đang gia tăng khủng khiếp và bệnh cửa quyền đang hành dân. Một ngày trước Nguyễn Tấn Dũng trả lời tại QH thì ngày 18.11 Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng nội vụ Trần Văn Tuấn đã giải đáp thắc mắc về tình trạng mua quan bán chức đang ngày càng lộ liễu trong chế độ toàn trị.
Hiện nay ngân sách quốc gia mỗi năm (tức tiền đóng thuế của nhân dân) phải bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng để trả lương cho công chức và các nhân niên nhà nước, nhưng một số đại biểu QH đã chỉ trích năng lực thấp và tinh thần vô trách nhiệm của các giới chức và cho biết, hiện nay „trong đội ngũ chỉ có 1/3 làm cật lực, 1/3 "chỉ đâu đánh đó", 1/3 có mặt cho thêm đông vui, nhiều khi còn gây rối". Trần Văn Tuấn không dám trả lời thẳng vào câu hỏi này, nhưng đã nói :
"Hàng năm, khi tổng hợp đánh giá, bỏ phiếu cho cán bộ từ cơ sở đưa lên vẫn có trên 90% hoàn thành nhiệm vụ".
Buổi chất vấn này sau đó được truyền hình. Khi ông Tuấn buột miệng ra câu trên thì người ta nghe thấy những tiếng cười chua chát, mỉa mai trong hội trường QH, mặc dầu trên 90% đại biểu QH là đảng viên. Cách đánh giá và bỏ phiếu cho cán bộ kiểu này đang phổ cập trong các cơ quan của ĐCS và chính phủ làm người ta nhớ lại việc các cán bộ đảng viên trong PMU 18 trước khi vụ tham nhũng bị tung ra đều cũng được đánh giá, bỏ phiếu là „đảng viên A1“, tức thuộc hạng „trong sạch, vững mạnh“!
Khi một số đại biểu QH hỏi là, tại sao chính phủ nói là đang tăng cường cải cách hành chánh, coi đây là nhiệm vụ then chốt để thanh lọc hàng ngũ công chức và chấm dứt nạn hành dân, nhưng nạn mua quan bán chức và hành dân lại càng gia tăng? Người đứng đầu công tác tuyển chọn cán bộ trong chính phủ Trần Văn Tuấn tuy nhìn nhận là tình trạng tha hóa mua quan bán chức đang bung ra, nhưng ông đã trả lời rất ư là vô tư, vô tội vạ: "có ai báo với ai đâu mà biết"!
Lại một chuyện thật tưởng như đùa! Không ai có thể nghĩ là một người cầm đầu một bộ lo tuyển chọn viên chức cấp cao và trung toàn quốc lại có thể mở miệng nói ra một câu vô trách nhiệm đến như thế được và còn tỏ ra ngờ ngệch đến như thế! Chả lẽ Trần Văn Tuấn ngờ nghệch đến nỗi, chờ bọn quan bán chức và những kẻ mua chức vị sẽ tới gõ cửa Bộ nội vụ khai báo, hoặc giả báo chí dưới quyền kiểm soát của chế độ -tức là dưới quyền của một vài người có quyền lực - sẽ dám làm công tác tố cáo các bọn mua quan bán chức!
Như thế vẫn chưa đủ, khi được hỏi về các biện pháp nhằm tăng cường năng lực và tinh thần trách nhiệm của các giới chức cũng như các giải pháp nhằm chấm dứt tệ trạng mua quan bán chức đang tung hoành, Trần Văn Tuấn đã đổ cho đó là trách nhiệm của tập thể:
"Công tác cán bộ là công tác của tập thể. Nếu các cấp làm tốt thì tình trạng này sẽ giảm. Bộ Nội vụ phải giám sát. Còn yêu cầu chấm dứt là khó. Nói như vậy chắc Đại biểu chưa toại nguyện, vì công tác cán bộ là việc khó".
Ở đây Trần Văn Tuấn nói rất đúng bức tranh vân cẩu của chế độ XHCN hiện nay ở VN. Như phần trên đã trình bày lời xác nhận của Nguyễn Tấn Dũng trong việc này. Trong chế độ XHCN, từ Thủ tướng tới các Bộ trưởng đều không có quyền tự ý cách chức hay chấm dứt các nhân viên dưới quyền. Các quyết định bổ nhiệm hay kỉ luật các cán bộ cấp cao đều do Ban bí thư Trung ương đề nghị và sau đó BCT sẽ quyết định. Đây là nguyên tắc tổ chức và vận hành được gọi là „tập trung dân chủ“ trong chế độ độc tài toàn trị ở VN. Trong thực tế, cách thăng thưởng hay thi hành kỉ luật này tạo ra quyền sinh sát vào tay một vài người có quyền lực mạnh nhất trong BCT ở mỗi giai đoạn. Vì thế, thói chuyên quyền và lạm dụng quyền lực là bệnh kinh niên của chế độ toàn trị! Nếu bỏ nó đi thì chế độ này sẽ tan rã ngay! Chính vì thế, ngay từ khi còn làm TT vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước, Võ Văn Kiệt đã đề nghị hủy bỏ nguyên tắc tổ chức „tập trung dân chủ“ vừa độc tài vừa vô trách nhiệm này. Nhưng khi ấy từ Lê Khả Phiêu tới Nguyễn Phú Trọng đã kết án gay gắt. Khi đó ông Trọng đã nói thẳng là, „phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất“. Nó như bộ sương sống của con người, ai đòi bỏ nó đi là chống lại Đảng!
Chủ tịch Quốc hội chấm điểm và tự cho điểm !
Trong khi tại hội trường QH, Nguyễn Tấn Dũng người cầm đầu chính phủ đã không dám nhìn nhận trách nhiệm về sự bất lực và vô quyền trong việc chống tham nhũng và Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã phủi trách nhiệm trước tệ trạng mua quan bán chức ngày càng bức xúc và trắng trợn. Tuy nhiên cả hai người đều coi đó như là một chuyện hết sức bình thường, ông Dũng lại còn hãnh diện so sánh thái độ khoanh tay, bịt mắt, che tai của mình cũng giống như Phạm Văn Đồng. Đấy là chưa kể trong dịp này Nguyễn Tấn Dũng vẫn khoác lác tự khoe, dùng cách nói mị dân và thích nổ để che đậy những lời hứa khi ông ta nhậm chức TT hơn ba năm trước. Nhiều đại biểu QH đã chua sót và cười mỉa mai về tài làm hề không biết ngượng của hai nhân vật này. Khi theo dõi trên TV những câu trả lời của Nguyễn Tấn Dũng và Trần Văn Tuấn về những bức xúc của nhân dân và đất nước, những người am hiểu cũng đều cảm thấy ngậm ngùi và bực bội!
Nhưng Ủy viên BCT kiêm Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, người được coi là rất có quyền lực và thần phục Bắc kinh, đã hoàn toàn không cảm thấy như thế. Ngay vào buổi cuối cùng kết thúc các cuộc chất vấn sáng 19.11 người đứng đầu QH đã khen Nguyễn Tấn Dũng:
“Rất thẳng thắn, rành mạch, cụ thể và cũng làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các vị đại biểu và cử tri quan tâm, chỉ tiếc là thời gian hơi ít“.
Riêng tờ Cộng sản điện tử cũng nhắc lời phê của ông Trọng : „Việc Thủ tướng có báo cáo, trả lời nhiều vấn đề „nóng“ tạo ấn tượng mạnh tại phiên chất vấn.“
Như vậy là Nguyễn Phú Trọng đã chấm điểm cho Nguyễn Tấn Dũng và một số bộ trưởng tham dự trong các buổi chất vấn tại QH đúng theo cung cách kẻ tung người hấng, mèo khen mèo dài đuôi! Như vậy vẫn chưa đủ, ngày hôm sau vào chiều 20.11 Nguyễn Phú Trọng còn bắt cả QH có một buổi họp đặc biệt đầu tiên dành cho Ủy ban Thường vụ QH –mà người đứng đầu cũng chính là ông Trọng- để các đại biểu phải tâng bốc. Tờ Cộng sản đã tổng kết ý kiến của các đại biểu QH về vai trò và các hoạt động của UBTVQH từ khi ông Trọng làm Chủ tịch QH hơn ba năm qua :
“Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên báo cáo và nghe ý kiến góp ý trực tiếp của các đại biểu Quốc hội tại hội trường, về tình hình hoạt động và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc làm lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cần tiếp tục được duy trì trở thành thường lệ tại các kỳ họp sau của Quốc hội.“
Như vậy lại một chuyện thực nhưng tưởng như đùa mà ông Trọng đã dùng quyền lực của mình để bắt các đại biểu phải tung hô vạn tuế ngay trong hội trường QH! Những việc làm của Nguyễn Phú trọng đã cho thấy ý đồ của ông ta là: Chấm điểm cho Thủ tướng và các bộ trưởng để tỏ uy quyền và sau đó cũng không quên tự cho điểm mình để gây thành tích chuẩn bị giữ ghế chia phần trong Đại hội 11 vào đầu tháng 1. 2011!
***
Hội trường QH trong vài ngày qua đã được một số người có quyền lực của chế độ độc tài toàn trị biến trở thành một sân khấu cho một nhóm phường tuồng múa may quay cuồng. Trong khi hoạt náo viên Nguyễn Tấn Dũng thao thao bất tuyệt kể về „thành tích“ chống tham nhũng thì người phụ tá Trần Văn Tuấn khoe về kết quả chống nạn mua quan bán chức! Trong màn kết thúc, nhà đạo diễn Nguyễn Phú Trọng đã trịnh trọng chấm điểm và khen ngợi các hoạt náo viên diễn tuồng rất thuộc bài vở và đúng sở trường. Trong buổi kết thúc các đại biểu khán giả đã tung huê vạn tuế Nguyễn Phú Trọng là đã đóng vai đạo diễn rất suất sắc!
Chuyện thật tưởng như đùa trong sân khấu chính trị của chế độ độc tài toàn trị còn được cả Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xuất cảng sang anh em đồng chí Cuba. Cuối tháng 9 vừa qua, từ New York ông Triết đã bay qua gặp các đồng chí Cuba. Tại đây trước một cử tọa đã được chọn lựa, nhà họat náo Nguyễn Minh Triết tủm tỉm má núm đồng tiền và cặp mắt lấp láy rồi vung tay đã lanh lảnh cất lên những câu:
"Có người ví von, Việt Nam- Cu Ba, như là trời đất sinh ra,
Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây,
Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới.
Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cu Ba nghỉ"!
Người ta tự hỏi Chủ tịch nước của chế độ XHCN có còn bình thường không? Người của hành tinh khác? Hay đang làm trò hề?
Các diễn viên chính trị hàng đầu của chế độ độc tài toàn trị đã làm những việc giống hệt như các anh hề và những người bán dầu cù là ở góc phố. Họ làm một cách rất tự nhiên, rất bài bản và lại còn hãnh diện nữa! Chuyện tưởng như đùa đó lại vẫn là một sự thực trong sinh hoạt chính trị của chế độ toàn trị trong bao nhiêu thập niên vừa qua! Hiện nay họ đang còn chuẩn bị ráo riết nhiều trò ảo thuật khác cho Đại hội 11 vào đầu tháng 1. 2011!
Những ai quan tâm tới vận mệnh đất nước –từ các chuyên viên, trí thức, nhà báo, nhà văn, sinh viên, học sinh và cả những đảng viên CS vẫn biết quí lòng tự trọng – đều rất ngậm ngùi thương cho số phận của nhân dân và lo cho tương lai của đất nước, hổ thẹn vì một nước có bốn ngàn năm văn hiến mà lại có những người đứng đầu tồi tệ như thế được! Mọi người đều cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm, không thể khoanh tay đứng nhìn những kẻ bất tài vô đức và mất tư cách vẫn ngạo mạn và tàn bạo tiếp tục cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân! ?
ÂU DƯƠNG THỆ
No comments:
Post a Comment