Những khác biệt quan điểm về chiến lược, về phương pháp đấu tranh không phải là chuyện phải gay gắt chống đối nhau ngoài dư luận, sự kiện này không những chỉ làm mất hay ít nhất làm giảm uy tín những thành phần xung khắc mà còn giảm niềm tin của người dân vào phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ đa nguyên. Ngư ông thủ lợi chính là đối phương chung, CSVN. Thế hệ trẻ cần những gương sáng của tiền nhân, những cuộc tranh cãi, xung đột nặng nề của những bậc tiền bối cùng chung chí hướng từ 3 thập niên qua là nguyên nhân chính cản trở sự tham gia của thế hệ sau vào phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ. Nguyễn Hội |
Góp ý cho phong trào đấu tranh giành tự do, dân chủ đa nguyên |
Trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân và đoàn thể có nhiều ý kiến khác nhau về phương cách đấu tranh cho dân chủ đa nguyên tại VN. Một vài ý kiến tưởng chừng như đi ngược lại cương lĩnh của phong trào, của Đảng dẫn đến nghi kỵ và hiểu lầm. Để giảm bớt những bất đồng quan điểm đó, chúng ta nên xác định rõ đâu là Mục Đích đấu tranh và đâu là Cách Thế đấu tranh.
Sự sụp đổ khối cộng sản Đông Âu bằng biện pháp chính trị bất bạo động đã vạch ra cho cộng đồng người Việt tự do, dân chủ trong và ngoài nước niềm hy vọng, không dùng tới bạo lực trong công cuộc dân chủ hoá quê hương. Công việc "đội đá vá trời” này đòi hỏi không chỉ sự tham gia của mọi thành phần, từ thợ thuyền đến sinh viên, trí thức, từ cụ già đến em bé, từ đảng viên các đảng phái dân chủ, tự do đến đảng viên đảng cộng sản mà còn cần thiết mọi chiến lược, chiến thuật, phương tiện đấu tranh, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết thống nhất, tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và trách nhiệm cao của tất cả các thành viên.
Chiến lược không phải là mục đích mà là phương tiện phục vụ lý tưởng, phục vụ đạt mục đích. Một chiến lược uyển chuyển theo thời cuộc, lúc mềm dẻo, lúc cứng rắn, có lúc vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn dễ đạt mục đích hơn một chiến lược cứng đơ, trước sau như một. Một tổ chức giỏi có thể đào tạo được một đội ngũ thành viên bên trong có một lập trường tự do, dân chủ vững chắc, một lòng yêu nước sâu đậm, nhưng bên ngoài nếu cần trông như một đảng viên, một cán bộ cộng sản... Lập trường và lòng ái quốc vững chắc là điều kiện giúp người chiến sĩ quốc gia quyết định mọi công việc chung trên nền tảng quyền lợi của đất nước, dân tộc, họ sẽ hy sinh quyền lợi cá nhân, nếu có sự xung khắc quyền lợi cá nhân và dân tộc. Qua đó những quyết định trong tổ chức sẽ nhanh chóng, đồng nhất hơn, xung khắc giữa các thành viên trong tổ chức được giảm đi, sự đòan kết thống nhất trong tổ chức sẽ cao hơn và phe chống đối sẽ khó xâm nhập vào tổ chức hơn.
Có nhiều đường dẫn đến La Mã! Có người dùng xe hơi, có người đi xe lửa, có người đi máy bay đến La Mã. Cách nào cũng đúng cả, cách nào cũng có ưu và khuyết điểm! Phương tiện bằng máy bay nhanh hơn, nhưng nguy hiểm hơn, đi xe hơi mệt vì phải tự lái, đi xe lửa phải lệ thuộc giờ giấc... Công cuộc dân chủ hoá quê hương Việt Nam đa dạng hơn, chúng ta cần mọi phương tiện và những phương tiện này phải được kết hợp và được điều khiển, sử dụng một cách khéo léo. Điều kiện cho sự kết hợp vững chắc là sự chấp nhận và công nhận nhau, cho dù là người muốn làm cuộc cách mạng bằng gậy gộc, dân vận, địch vận, bằng ngòi bút... Để sử dụng và điều khiển phương tiện khéo léo ngoài trình độ hiểu biết chúng ta cần thiết sự đoàn kết thống nhất, lòng ái quốc sâu sắc và sự tin tưởng lẫn nhau.
Otto Schilly, một trong những thành viên thành lập đảng xanh Đức (Die Gruenen), cựu bộ trưởng nội vụ liên bang Đức (1998-2005), đã từng làm luật sư biện hộ cho thành phần khủng bố của "quân đội đỏ” (RAF). Dư luận của Đức trong những năm trong thâp niên bảy mươi nghi ngờ Schily ủng hộ tổ chức khủng bố RAF để trấn an dư luận Schily đã phải tuyên thệ không ủng hộ đường lối của tổ chức khủng bố RAF. Tháng 11 năm 1989 Schily đã ra khỏi đảng xanh do bất đồng chính sách của đảng. Tuy phải đi đến quyết định khó khăn là phải từ giã tổ chức mình đã thành lập nhưng sau khi rời đảng xanh Schily không công kích thành phần lãnh đạo đảng xanh. Schily cũng có thể “trả thù" bằng cách bới móc kiếm một bằng chứng để kết tội đảng xanh “ủng hộ thành phần khủng bố nên mới từ bỏ chúng...". Tinh thần dân chủ là vậy, phù hợp thì làm việc chung, không phù hợp thì đường ai nấy đi. Trong lúc cùng làm việc chung tận lực làm việc đạt mức tối đa, lúc chia tay những bí mật của nhiệm vụ cũ được quên đi. Sự yên lặng của Schily không phải chỉ để giữ uy tín cho đảng cũ mà còn giữ uy tín cho chính bản thân mình! Bước vào đảng mới (SPD, đảng xã hội Đức) Schily được tin dụng và được giao cho nhiều chức vụ quan trong như phó chủ tịch nhóm dân biểu của đảng xã hội trong quốc hội liên bang. Năm 1998 đảng xã hội đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang, Schily được giao chức vụ bộ trưởng nội vụ trong chính quyền liên hiệp với đảng xanh.
Nhiều người quan niệm rằng, dân chủ, tự do có nghiã là nghĩ gì nói vậy, có gì bất bình tố cáo thẳng! Nhưng chắc chắn một người vợ (trong một gia đình hạnh phúc) không thể nào tố cáo khi biết được người chồng mình ăn trộm đồ trong hãng đem về nhà xài, vì làm như thế chồng sẽ mất việc và gia đình sẽ lâm vào cảnh bần cùng. Người vợ có thể khuyên chồng đừng nên ăn cắp nữa kẻo đồng nghiệp thấy được vì cạnh tranh mách với chủ đuổi việc. Những người đấu tranh cho dân chủ đa nguyên cho Việt Nam, dù trong bất kỳ đảng phái nào, cùng trong một đại gia đình, những xích mích trong đại gia đình mang lại mất mát, tổn thất cho mục đích cao cả chung họ đang đeo đuổi. Những khác biệt quan điểm về chiến lược, về phương pháp đấu tranh không phải là chuyện phải gay gắt chống đối nhau ngoài dư luận, sự kiện này không những chỉ làm mất hay ít nhất làm giảm uy tín những thành phần xung khắc mà còn giảm niềm tin của người dân vào phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ đa nguyên. Ngư ông thủ lợi chính là đối phương chung, CSVN. Thế hệ trẻ cần những gương sáng của tiền nhân, những cuộc tranh cãi, xung đột nặng nề của những bậc tiền bối cùng chung chí hướng từ 3 thập niên qua là nguyên nhân chính cản trở sự tham gia của thế hệ sau vào phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ. Nếu không thể chấp nhận được nhau thì nên theo giải pháp của Schily ôn hoà chia tay... "để lỡ ngày sau khi ta cần nhau, còn nuối tiếc êm vui ngày đầu...” rồi lại có thể tìm đến nhau, ngày đó trễ nhất là ngày quê hương được dân chủ hoá.
Tính mốc thời gian từ năm 1975 đến nay (2006 TDLT) đã 31 năm. Năm 1975 dân số cả hai miền Bắc Nam được hơn 40 triệu người nhưng hiện nay đã đạt hơn 83 triệu, nghiã là đa số dân Việt sống trong nước hiện nay được sinh ra, lớn lên và chịu sự giáo dục dưới chế độ CS. Người CS thường hô hào "xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải có con người xã hội chủ nghĩa" nên họ đã nhào lặn một nền giáo dục phù hợp với ý muốn của họ. Tuy có những con người ngọai lệ như Phương Nam, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn... nhưng việc giáo dục con người trong quốc nội theo tinh thần dân chủ đa nguyên và tinh thần quốc gia dân tộc song song với cuộc cách mạng dân chủ là công việc tối cần thiết không thể nào tránh được.
Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc trinh chiến tương tàn, dân tộc Việt đã gánh chịu nhiều gian khổ. Chiến tranh đã hủy diệt bao nhiêu nhân tài của đất Việt, đã kéo lùi sự tiến bộ của đất nước về mọi mặt: chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, đạo đức... Mỗi người trong chúng ta, ít nhiều đều có ân oán với chế độ cộng sản Việt Nam, có người có thân nhân bị giam cầm, tra tấn, giết hại, có người chính bản thân mình bị cộng sản bách hại mặc dù có người trong chúng ta lúc bị bách hại chưa đủ tuổi trưởng thành... Những sự bách hại đó khủng khiếp đến độ không thể nào phai nhạt trong trí nhớ nhỏ nhoi của chúng ta, thỉnh thoảng quá khứ trở lại trong giấc ngủ mặc dù đã hơn 25 năm trôi qua... Thời cuộc đã đổi thay, CSVN đã biến chất, thời cơ dân chủ hoá đất nước thuận tiện hơn, những thuận tiện này sẽ không ngừng lại chờ đợi chúng ta, đã đến lúc nợ nước, thù nhà cần được cân nhắc rõ ràng việc nào quan trọng hơn việc nào! Bài học đau thương trong quá khứ sẽ là kinh nghiệm qúy báu giúp chúng ta phòng ngừa và vượt qua những thủ đoạn của đối phương. Quá khứ càng đau thương bao nhiêu, chúng ta càng phải khôn ngoan tận dụng mọi chiến lược, phương tiện giải thoát quê hương khỏi ách độc tài sớm hơn, vì chỉ có chế độ dân chủ đa nguyên mới có thể bảo đảm quyền làm người của mọi người dân Việt, mới động viên mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tích cực xây dựng đất nước văn minh, giầu mạnh, mới tận diệt được tệ nạn tham nhũng (sản phẩm của chế độ độc tài) đang chế ngự trên quê hương yêu dấu của chúng ta và chỉ có chế độ dân chủ đa nguyên mới duy trì được nền văn hoá, đạo đức làm người của Cha Ông chúng ta đã ngàn đời tận lực gầy dựng và bảo vệ.
Nguyễn Hội
(một cựu thuyền nhân được giáo dục tại Âu châu, phi tổ chức chính trị)
[Bài này viết vào năm 2006, nhưng vẫn còn giá trị cho công cuộc tranh đấu hiện nay - TDLT]
No comments:
Post a Comment