Qua các sự việc rất khác thường liên quan đến biển đảo và chủ quyền lãnh thổ đã và sẽ còn diễn ra ở trong nước trong thời gian tới, phải chăng giờ đây đảng CSVN, sau nhiều năm ngủ mê và bị Tàu Bắc Kinh đưa vào mê hồn trận, đã tỉnh ngủ và biết mở mắt
Chủ quyền Việt Nam thuộc về ai?
Ai cũng biết chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam lại coi quyền này là của riêng họ nên đã mang họa Phương Bắc vào thân ở Biển Đông kể từ sau ngày Tàu Bắc Kinh chiếm đảo Hoàng Sa từ tay hải quân Việt Nam Cộng Hoà, tháng 1/1974, và sau đó chiếm một số hòn đảo trong quần đảo Trường Sa trong trận hải chiến với hải quân CSVN Tháng 3, 1988.
Bây giờ 35 năm sau ngày mất Hoàng Sa và 21 năm sau trận chiến ở Trường Sa, đảng CSVN bắt đầu thấm đòn, biết mở mắt để thấy cái giá phải trả cho chủ trương 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt xảo quyệt của Lãnh đạo Trung Quốc: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Nhưng CSVN đã hành động ra sao?
Hội thảo về biên giới
Trước hết vào ngày 25-12-2008 họ đã để cho Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức cuộc hội thảo chủ đề "Đổi mới công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế ".
Tạp chí Cộng sản cho biết có trên 80 bài tham luận của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội đã gửi đến tham gia hội thảo.
Cuộc thảo luận nói nhiều đến biên giới đất liền và hải đảo, nhưng tránh không nói trực tiếp đến cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Tàu tại Hoàng Sa và với Tàu và các nước khác tại Trường Sa, theo tường thuật của Tạp chí Cộng sản.
Bài tổng kết của Nhật Tân viết theo ý kiến phát biểu: “Biên giới nước ta là ranh giới pháp lý quốc tế, là “phên dậu” xác định không gian sinh tồn của đời đời con cháu dân tộc Việt Nam; đồng thời, là không gian hợp tác, mở rộng giao lưu giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...”
“ ....An ninh trật tự trên biên giới, biển đảo còn diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia, tội buôn lậu, buôn bán phụ nữ, trẻ em gia tăng. Tình trạng xâm canh, xâm cư, vi phạm lãnh thổ, hoạt động truyền đạo trái phép còn diễn ra phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, địa bàn biên giới phức tạp, còn nhiều khó khăn hòng chống phá cách mạng nước ta...”
Có nhiều nguyên nhân gây ra phức tạp, theo bài báo, nhưng các hội thảo viên đồng ý: “Nguyên nhân chính là do nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ về vị trí chiến lược của biên giới, chưa đặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngang tầm với nó; chưa thật coi trọng việc đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo - một bộ phận hữu cơ trong chiến lược quốc phòng, an ninh; việc xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương chưa thật rõ ràng, cụ thể, trong tổ chức thực hiện còn dàn đều, phân tán, thiếu tập trung dứt điểm; chưa phát huy được sâu rộng phong trào quần chúng rộng rãi trong quản lý, bảo vệ biên giới trong điều kiện mới; chưa có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để ngăn chặn tệ nạn buôn lậu qua biên giới, nhất là buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới còn chậm, nhiều văn bản pháp quy không còn phù hợp chưa kịp thời sửa đổi; thiếu một số văn bản cần thiết; không ít văn bản chưa tạo hành lang pháp lý, thống nhất để xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, biển đảo.”
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sôi động và có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, trong đó có tác động mạnh đến nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Đây là một nội dung quan trọng cần đặc biệt lưu ý trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã khẳng định, trong khi tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta không được lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh, trong đó có thực hiện tốt việc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia.”
Trong cuộc thảo luận cấp cao hiếm có này, những người tham dự đã khẳng định:
1 - Bảo đảm sự thiêng liêng bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia.
2 - Phát huy được cả hai chức năng cơ bản của biên giới là hàng rào pháp lý và không gian hợp tác.
3 - Đổi mới toàn diện, đồng bộ tất cả các khâu, bảo đảm mối quan hệ biện chứng giữa các khâu xây dựng - quản lý - bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.
4 - Tiến hành đổi mới cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và làm chủ của nhân dân, lấy lực lượng bộ đội biên phòng làm nòng cốt....
...Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến phòng thủ biển đảo. Bố trí dân sinh sống ở các đảo có vị trí quan trọng. Đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn tàu đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời có chính sách khuyến khích, bao tiêu sản phẩm, tổ chức dịch vụ và công tác bảo vệ bảo đảm cho ngư dân yên tâm làm ăn trên biển.
....Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới, biển đảo để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những văn bản mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
...Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, vững mạnh chính quy, từng bước hiện đại làm nòng cốt cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo. Nghiên cứu đầu tư xây dựng, trang bị vũ khí phương tiện, kỹ thuật đủ điều kiện thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, sớm có cơ chế phối hợp, hiệp đồng các lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý bảo vệ biên giới, biển đảo.”
Hội thảo Biển Đông
Nếu cuộc hội thảo trên đây không trực tiếp chĩa mũi dùi vào Tàu Bắc Kinh thì cuộc hội thảo ngày 17/3 /2009 tại Hà Nội giữa “các nhà nghiên cứu của Việt Nam, trong và ngoài nước” lại công khai tranh luận về vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và âm mưu bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Bản tin đăng trên báo điện từ ViệtNamNet, cơ quan ngôn luận do Bộ Thông Tin-Truyền Thông làm chủ, cho biết cuộc hội thảo do Học viện Ngoại giao tổ chức lần thứ nhất với chủ đề “Tranh chấp chủ quyển tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”.
Như vậy là đảng và nhà nước CSVN đã “bật đèn xanh” để cho các nhà khoa học, chuyên viên, nghiên cứu về Biển Đông và Lịch sử được tự do tổ chức thảo luận về vấn đề vẫn thường được coi là “ngoại giao nhạy cảm” đối với Trung Hoa trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông?
Nhưng tại sao lại phải hành động “ném đá giấu tay”, không dám công khai tổ chức các cuộc thảo luận như thế trên danh nghĩa chính thức của Bộ Ngọai giao vì sợ chạm đến “dung nhan” Trung Quốc chăng?
Báo ViệtNamNet viết: “Đây là cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ một loạt các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thu thập, nghiên cứu tài liệu về Biển Đông, giúp tìm căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, giúp ích cho Việt Nam trong quá trình xử lý vấn đề biên giới trên biển.
Những người tổ chức hội thảo kì vọng trong thời gian tới, hội thảo sẽ được mở ở tầm quốc tế và sẽ có cả những cuộc thảo luận tay đôi giữa giới học giả Việt Nam và Trung Quốc về những vấn đề liên quan”.
Báo này tường thuật: “Tiến Sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, dầu và khí đốt chỉ là mục tiêu trước mắt nhưng lâu dài là vấn đề địa chiến lược, địa chính trị của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Hoàng Sa và Trường Sa như hai đồn biên phòng trên biển. Ai chiếm giữ được Hoàng Sa và Trường Sa, người đó sẽ khống chế được Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tức là nắm giữ được yết hầu kinh tế của các quốc gia Đông Bắc Á, từ đó đẩy Mỹ ra khỏi khu vực…"
“Tuy nhiên”, báo này viết tiếp, “nhiều người nhận định, dùng vũ lực để độc chiếm sẽ không phải là lựa chọn của Trung Quốc, ít nhất vào thời điểm này, khi thời và thế chưa đạt. Những tuyên bố cấp cao song phương Việt - Trung đều khẳng định giải quyết bằng phương pháp hoà bình các tranh chấp và tìm giải pháp hợp tác cùng phát triển. Hơn nữa, những ràng buộc pháp lý quốc tế trong điều kiện hiện nay sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc cẩn trọng”.
“Theo nhiều học giả, đã đến lúc Việt Nam phải tính các phương án, kịch bản khác nhau và đưa ra lộ trình đàm phán thực chất với Trung Quốc và các bên liên quan (trong trường hợp Trường Sa) về hai quần đảo này.”
Tiến Sĩ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật biển và hàng hải quốc tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội nói: “Chuẩn bị luận cứ pháp lý là yêu cầu đầu tiên và phải là chính", Các luận cứ lịch sử, luận cứ địa lý cũng rất quan trọng nhưng chỉ là luận cứ tham khảo”.
Một chuyên gia của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam nói:“Chủ quyền là thiêng liêng và không thể nhân nhượng, thế nhưng không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính. Chúng ta phải đấu tranh bằng cơ sở pháp lý, bằng những bằng chứng không thể chối cãi”.
“ Với Trung Quốc, Việt Nam cần tận dụng quan hệ tích cực giữa hai nước, đẩy vấn đề đang còn tồn đọng giữa hai bên. "Trong quan hệ quốc tế phải minh bạch. Có những vấn đề phải đặt lên bàn đối tác mới giải quyết được, càng tù mù càng khó", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, theo tường thuật của ViệtNamNet: “Việc xử lý tranh chấp trên biển phải gắn với xây dựng và thực thi một chiến lược biển nghiêm túc và đầy đủ, không phải chỉ là chiến lược kinh tế biển, vốn có trên văn bản là chính như hiện nay.”
Muốn vậy, các học giả nhấn mạnh: “Việt Nam phải chuẩn bị kĩ lưỡng, xây dựng lực lượng đàng hoàng, để nói được, trao đổi được với đối tác. Đại diện Quỹ nghiên cứu Biển Đông gợi ý Việt Nam có thể cấp học bổng từ ngân sách nhà nước cho các nghiên cứu viên đi đào tạo ở nước ngoài về luật biển quốc tế.
Một học giả không nêu tên nói trong cuộc hội thảo: “Điều đáng tiếc là, ngay cả với lực lượng hiện tại vốn mỏng và được đánh giá là “không cân sức” so với Trung Quốc, "hình như Việt Nam cũng chưa sử dụng, chưa biết sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia, chưa biết tập hợp đội ngũ. Nhiều nhà nghiên cứu làm về biển Đông có ấn tượng hình như mình làm gì sai…"
Tường thuật của ViệtNamNet còn tiết lộ về sự lơ là gìn giữ tài liệu lịch sử của nhà nước CSVN, theo các chuyên viên tham dự Hội thảo:
“Không chỉ mỏng, nguồn lực làm về Biển Đông còn bị phân tán. Nhiều tài liệu quý hiếm đã biến mất cùng với sự ra đi của người giữ chúng. Việc tiếp cận để tra cứu, khai thác tư liệu gặp nhiều trở ngại. Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã phải đối mặt với chuyện “biết có tư liệu quý mà không lấy được”.
“Giới nghiên cứu thừa nhận hiện nay, nghiên cứu về Biển Đông vừa yếu vừa thiếu. Thế nhưng, "hình như một lực lượng rất lớn và có giá trị là các học giả Việt Nam ở nước ngoài lại đang bị bỏ quên”, bà Trần Thị Ái Liên nêu.
Nhà báo Phương Loan kết thúc bài tường thuật bằng ý kiến chua chát: “Việt Nam và Trung Quốc có thể “tạm gác tranh cãi cùng khai thác” trên biển Đông, có lí nào người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ngoài nước lại không thể “tạm gác tranh cãi” để cùng đấu tranh cho chủ quyền và cương giới lãnh thổ?
Sức mạnh dân tộc bao gồm tăng cường nội lực và đoàn kết nội bộ, cùng với sức mạnh thời đại chính là cơ sở pháp lý vững chắc, tính chính nghĩa của Việt Nam chính là điều kiện để Việt Nam có thể giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ này”.
Các khuyến nghị
Theo bài viết đăng trên ViệtNamNet ngày 19-03-2009 của Tiến sĩ Trần Trường Thuỷ thuộc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông - Học viện Ngoại giao thì các Hội thảo viên đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:
-Chính sách của VN về Biển Đông phải đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại toàn diện, bao gồm cả an ninh, phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Phải đặt vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo dõi các động thái của TQ, quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc- các nước ASEAN, quan hệ Trung-Đài.
-Phải xây dựng được hồ sơ pháp lý đầy đủ về vấn đề này dùng để đấu tranh chính trị, tuyên truyền, đàm phán và lúc cần cho việc phân xử tại Toà án quốc tế.
-Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Chính phủ cần có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh răn đe.
-Nên 4 hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa và Phi nhạy cảm hóa.
-Đấu tranh bảo vệ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông dựa trên hai sức mạnh là dân tộc và thời đại. Dân tộc: là khối đại đoàn kết dân tộc (trong và ngoài nước); và Thời đại là luật pháp quốc tế, tính chính nghĩa của VN.
-Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học về Biển Đông. Cấp học bổng đi học tại nước ngoài. Tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc của các thế hệ mai sau, coi đó là một chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của ta.
Trước cuộc Hội thảo ngày 17-3 -2009, báo Tuần Việt Nam, cũng của Bộ Thông Tin-Truyền Thông, ngày 19-1 -2009 đã giới thiệu bài viết của hai tác Lê Minh Phiếu - Dương Danh Huy nêu lên những đề xuất về một chiến lược của Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Hai tác giả tiết lộ: “Cùng với những đòi hỏi và những hành động đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc còn thể hiện quyết tâm đòi hỏi phần lớn diện tích Biển Đông. Phần Biển Đông mà họ đòi hỏi nằm trong các đường gạch nối trên Biển Đông, được đưa ra đầu tiên vào năm 1947, có hình chữ U hay hình lưỡi bò và do vậy thường được gọi là “đường lưỡi bò” hay “ranh giới lưỡi bò”. Phần diện tích trong đường lưỡi bò này chiếm khoảng 75% diện tích trên Biển Đông, để lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%.”
Hai ông cho biết: “Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò vùng Tư Chính – Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 2007, Trung Quốc đưa ra quy định theo đó tất cả bản đồ Trung Quốc phải vẽ ranh giới lưỡi bò này. Cũng năm 2007, Trung Quốc áp lực tập đoàn dầu khí BP phải ngưng hợp tác với Việt Nam trong hai vùng dầu khí Mộc Tinh, Hải Thạch
Năm 2008, Trung Quốc vẽ ranh giới lưỡi bò vào bản đồ rước đuốc Olympic và Paralympic, nhưng sau đó gỡ ra khỏi bản đồ rước đuốc Olympic trên trang web chính thức sau khi có tiếng nói phản đối từ phía Việt Nam gửi đến Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế. Tháng 7 năm 2008, Trung Quốc áp lực ExxonMobil không được hợp tác với Việt Nam trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Tháng 11 năm 2008, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố dự án có vốn 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác trên Biển Đông.
Những sự kiện trên cho thấy sự quyết tâm và leo thang của Trung Quốc trong việc thực hiện chủ trương đó.”
Hai tác giả cũng không ngần ngại khuyến cáo đảng CSVN phải biết vận động sức mạnh của cả dân tộc, không chỉ riêng người dân trong nước để góp sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Họ viết: “Trong hơn 60 năm qua kể từ khi Trung Quốc công bố bản đồ lưỡi bò khoanh 75% Biển Đông một cách mập mờ vào năm 1947 cho tới nay, Việt Nam chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Đây là một thiệt thòi tương tự như việc chiến đấu trong khi một tay bị buộc sau lưng.
Trong hoàn cảnh hiện nay, dân tộc Việt Nam cần phải vượt qua những cách biệt và Nhà nước cần phải tạo điều kiện để phát huy sức mạnh tổng thể của toàn dân trong việc đấu tranh chống lại những hành động “không thể chấp nhận được” từ phía Trung Quốc.
“Để có thể phát huy sức mạnh của toàn dân, cần phải có một Quy tắc ứng xử chung về Biển Đông giữa Nhà nước và nhân dân và giữa các cộng đồng người Việt Nam với nhau. Quy tắc này không cần phải là luật, chỉ cần là một thoả thuận bất thành văn, được nhiều cá nhân và hội nhóm công khai tôn trọng.
Nếu không có một quy tắc ứng xử chung về Biển Đông cho dân tộc Việt Nam, dù quy tắc đó chỉ là một sự thông cảm bất thành văn, thì nhân dân và Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó trong tình trạng một tay bị buộc chặt sau lưng, trong khi Trung Quốc càng ngày càng tiến xa, tiến mạnh với yêu sách và hành động để biến 75% Biển Đông thành “biển lịch sử” của họ.”
Bài viết hiếm hoi này kết luận: “Ngày nay, Việt Nam đứng trước một sự đe doạ nguy hại cho tương lai lâu dài của dân tộc. Khác với trong quá khứ, sự đe doạ này tiến triển rất chậm, nhưng càng ngày càng nghiêm trọng, qua nhiều thập niên, có thể nói là cả thế kỷ. Nhiều khi sự đe doạ này rất nhẹ nhàng, dường như không có, nhiều khi có những động thái phi bạo lực, tương đối ít khi tiến tới bằng bạo lực. Nhưng chúng ta đừng để sự nhẹ nhàng, chậm rãi này làm chúng ta coi thường hay thờ ơ. Nếu sự đe doạ này đi tới đích của nó thì hậu quả cho đất nước sẽ vô cùng trầm trọng. Chúng ta phải ứng phó sự đe doạ này với một sự tích cực không kém gì tổ tiên ta đã từng giữ nước.”
Qua các sự việc rất khác thường liên quan đến biển đảo và chủ quyền lãnh thổ đã và sẽ còn diễn ra ở trong nước trong thời gian tới, phải chăng giờ đây đảng CSVN, sau nhiều năm ngủ mê và bị Tàu Bắc Kinh đưa vào mê hồn trận, đã tỉnh ngủ và biết mở mắt ?
Nhưng làm sao để có được sự hợp tác của các chuyên viên, học giả và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng chung sức đấu tranh bảo vệ đất đai của Tổ tiên thì đó là việc đảng CSVN phải làm. Không người Việt nào không yêu nước, dù ở chân trời góc biển nào, nhưng yêu nước không phải là yêu Xã hội Chủ nghĩa như người Cộng sản vẫn tuyên xưng với đảng.
Những người cầm đầu đảng và nhà nước Cộng sản cũng phải tự đấm ngực hỏi mình: Vì đâu mà đất đai của Tổ tiên đã bị mất về tay Tàu trong Hiệp ước năm 1999, và tại sao Nhà nước CSVN đã im miệng không dám lên tiếng phản đối khi Tàu chiếm Hoàng Sa năm 1974, sau đó lại ra tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ của sinh viên, học sinh và đồng bào các giới trong hai ngày 9 và 16/12/1997 tại Sài Gòn và Hà Nội?
Cũng nên tự hỏi: vì sao mà Phạm Văn Đồng, trong tư cách Thủ tướng Chính phủ, dám nhắm mắt công nhận chủ quyền 75 % trên Biển Đông của Trung Quốc, trong Thư gửi cho Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 để ngày nay phải ngậm đắng nuốt cay?
Phạm Trần
22 March 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp. |
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền? |
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”. |
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein
Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo. |
No comments:
Post a Comment