20 March 2009

Những phát hiện choáng váng

Thế thì người dân thành phố ăn heo từ vùng dịch là chuyện bình thường. Nghe qua cũng thấy rùng rợn, ấy thế nhưng người ăn vẫn cứ ăn, người bán vẫn cứ bán, cơ quan được gọi là chức năng vẫn cứ … không thể kiểm soát được. Huề cả làng. Đó là chuyện thường xảy ra ở Việt Nam rồi, có chi là lạ đâu!

Trong những ngày vừa qua, ở Việt Nam chuyện điện nước tăng giá, sữa bột các loại cũng thi nhau leo thang khiến người dân… tối tăm mày mặt, không thể hiểu nổi. Tại sao giữa thời buổi kinh tế suy thoái trầm trọng, công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, theo dự đoán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tình huống xấu nhất, số người mất việc trên toàn quốc vào cuối năm nay sẽ là 400.000; các doanh nghiệp đang lao đao sống dở chết dở, người đi làm công từ lao động chân tay đến trí thức, cũng đứng trước nguy cơ bị cho nghỉ việc, cho nghỉ dài hạn không lương thì điện nước lại bồi thêm một cú đấm tăng giá làm người dân choáng váng.

Người ta có cảm tưởng như những người đề nghị ra sáng kiến này không hề có một chút tình cảm, một chút chia sẻ nào với những khó khăn của người dân.

Trong khi các quốc gia khác như Singapore, Mã Lai giảm giá điện 21% và có nhiều quốc gia đã có những biện pháp "kích cầu" tiêu dùng bằng đủ mọi cách, kể cả việc tặng tiền cho người dân khi mua nhà, giảm bớt thuế má… thì ở Việt Nam giá điện nước lại tăng.

Người tiêu dùng lãnh đủ

Cụ thể là ngay từ ngày 1-3 giá điện tăng hơn 8%. Giá bán lẻ điện trung bình sẽ là 948,5 đồng cho mỗi kWh, tăng 8,92% so với năm 2008. Đợt tăng giá này được coi là bước đệm để năm 2010, giá điện được “thả” theo thị trường, có lên có xuống.



Bể đường ống nước phi 300 trên đường Mễ Cốc, P.15, Q.8, TP. Sài Gòn khiến nước sạch tràn ngập cả công trình (ảnh chụp ngày 11-3-2009)


Nước sạch chảy tràn trên đường Mễ Cốc (Q.8)
ngày 11-3 do bể ống nước!

Quyết định tăng giá điện được loan đi khiến cho người dân khắp nơi bàn tán xôn xao và nét lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt. Đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán về những thông tin liên quan đến giá điện. Bên quán nước, sạp bán báo, thậm chí ngay trên bàn cờ đều thấy các cụ già săm soi tờ báo rồi bàn tán sôi nổi.

Một bà công chức nghỉ hưu tại ở phường Nam Đồng, Q. Đống Đa, Hà Nội than thở: "Nếu chỉ tăng giá điện thôi thì người dân cũng thắt lưng buộc bụng bằng cách này hay cách khác nhưng trên thực tế, cứ cái này tăng lại kéo theo cái khác đội giá. Chẳng ai dám chắc rằng các mặt hàng khác như nước, thực phẩm, hàng tiêu dùng lại không bị té nước theo mưa".





Người dân TP. Sài Gòn có thể sẽ phải mua nước sạch với giá cao.

Người dân còn nhớ đợt tăng giá bán hồi tháng 7-2007, khi giá điện tăng, các mặt hàng khác cũng đua nhau điều chỉnh khiến chi phí cho mỗi gia đình càng tăng thêm. Điều này ai cũng có thể cảm nhận rất rõ mỗi lần tăng giá bán lẻ xăng dầu trong những năm trước.

Ông Trương Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 8, TP. Sài Gòn - cho rằng dù điện chỉ chiếm khoảng 0,05% trong sản xuất song trong bối cảnh khó khăn, đơn đặt hàng ít, nguyên liệu đầu vào cao... khó khăn càng thêm chồng chất. Năm nay, xuất khẩu dệt may, da giày được dự báo sẽ giảm khoảng 30-50% so với 2008. Chính vì thế mà ngày đầu năm doanh nghiệp nào cũng rơi vào tình cảnh bế tắc khi khách hàng hầu như không cam kết hợp đồng dài hạn và buộc phải tìm thị trường mới. Trước đây, nguyên liệu nhập khẩu được thanh toán theo hình thức trả chậm song thời điểm hiện tại, các đối tác đều yêu cầu trả ngay nên các doanh nghiệp càng thêm khốn đốn.

Nhìn rõ trước khó khăn này, nên hồi tháng 9-2008, ông Tùng quyết định "xóa sổ" hoạt động xuất khẩu dệt may để tập trung kinh doanh các lĩnh vực sản xuất khác, trong đó có xây dựng nhà chung cư. 300 công nhân được giải quyết theo chế độ thất nghiệp, dây chuyền thiết bị cũng được rao bán... Giám đốc Trương Thanh Tùng thở phào: "Tôi rút khỏi thị trường đúng lúc chứ với bối cảnh khó khăn như hiện nay, cứ cố bám trụ thì chẳng tránh khỏi thất bại".

Theo ông, giống như cái vòng luẩn quẩn, điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, giá điện tăng thì các mặt hàng khác cũng có cớ điều chỉnh giá và kết quả là người tiêu dùng phải gánh chịu.

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Chì cần nêu qua 2 thí dụ điển hình trên đây, một của tư nhân, một của doanh nghiệp, cũng thấy được việc tăng giá điện trong lúc này ảnh hưởng tới người dân như thế nào.

Theo tính toán của Bộ Công Thương VN, với mức tăng 6-7,5% giá điện sản xuất, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm khoảng 2.300 tỷ đồng, bằng 0,35% giá trị gia tăng của cả năm.

Còn với những người dân nghèo phải đi "câu móc điện" của những nhà hàng xóm khá giả và những công nhân ở trọ thì điện chỉ tăng vài ngàn đồng nhưng chủ nhà sẵn sàng tính thêm năm mười ngàn nữa cho "tròn gói". Nỗi khổ ấy chẳng biết kêu cùng ai, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện sinh hoạt tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35% và làm tăng chi tiêu cho các gia đình thêm khoảng 3%. Nhưng đổi lại, Nhà nước thực hiện chính sách trợ giá cho các gia đình nghèo bằng cách chia nhỏ bậc thang để tính giá hợp lý.

Những người nông dân mang tiếng được "ưu ái vì dùng điện rất ít", nhưng rất ít cũng chẳng được bớt xu nào mà cũng vẫn phải tăng vài ngàn. Dù là 0,3% hay 3% thì số tiền đó cũng không phải là nhỏ đối với hầu hết những gia đình nông dân hiện nay.

Tăng giá nhưng vẫn thiếu điện

Tuy giá điện tăng nhưng theo thông báo của điện lực VN, việc thiếu điện trong mùa khô nam nay hoàn toàn có thể xảy ra cũng như những năm trước.

Đứng trước nguy cơ thiếu điện trong mùa khô và cả năm 2009, cả nước đang chứng kiến Tập đoàn điện lực VN (EVN) và Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước theo hai cách khác nhau.

EVN cho rằng thiếu điện vì các nhà máy nhiệt điện của PVN không đạt công suất, ngược lại PVN khẳng định nguyên nhân có một phần do lỗi của EVN trước đó đã không huy động hết công suất tất cả nhà máy đó... Mỗi bên đều cho rằng bên kia có lỗi.

EVN hay PVN đều là các doanh nghiệp nhà nước, được đầu tư và phát triển từ tiền thuế của người dân, do vậy có trách nhiệm trong việc bảo đảm cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Nhà nước đã giao cho họ trách nhiệm lớn lao đó. Những mâu thuẫn vì mục đích kinh doanh giữa EVN và PVN phải được giải quyết dựa trên quyền lợi chính đáng của người dân, chứ không phải vì quyền lợi của mỗi tập đoàn. Điều đáng buồn là EVN và PVN mặc dù là hai tập đoàn kinh tế nhà nước nòng cốt nhưng trong cùng một việc làm lại "chãnh choẹ" thiếu sự hợp tác cụ thể.

Ông nào cũng lớn

Cái bệnh ông nào cũng tỏ vẻ "lớn" nên chẳng ai nhường ai. Anh là Tổng giám đốc, tôi cũng tổng giám đốc chứ có kém gì nhau. Anh nào cũng sử dụng hết quyền hạn của mình, tóm được cái gì thì tóm, không cần nghĩ đến lợi ích chung.

EVN muốn mua điện theo nhu cầu từng thời điểm, còn PVN lại muốn được huy động đều đặn công suất. Dẫn đến tình trạng là dân thiếu điện nhưng thực tế thì 30% công suất của PVN bị giảm là do EVN không huy động.

Câu chuyện này lẽ ra đã có thể được giải quyết từ đầu bằng những hợp đồng chi tiết, chặt chẽ, hài hòa lợi ích và quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Cuối cùng là cả hai phải phục vụ quyền lợi của người dân. Đáng tiếc là điều này đã không diễn biến như người dân mong đợi.

Rồi đây sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia việc tạo nguồn điện thì càng phải tăng cường trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp giữa các bên. Ở đây vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với EVN và các đơn vị khác nhau tham gia thị trường điện hết sức quan trọng.

Ngay giữa những doanh nghiệp “anh em”, đều là tập đoàn kinh tế nhà nước, còn xuất hiện sự khó khăn với nhau, vậy các nhà đầu tư khác liệu có hào hứng tham gia thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới đây? Hay là các ông Tổng này muốn giữ mãi cơ chế độc quyển để hết năm này đến năm khác, điệp khúc thiếu điện cứ lập đi lập lại và mỗi người trước khi đến Việt Nam cần phải mua thêm một cái đèn pin và một cái quạt giấy?

Nước cũng tăng giá

Theo với điện tăng giá, nước cũng đòi tăng theo. Dù chỉ mới là đề nghị nhưng theo nhiều chuyên gia việc tăng giá nước quá cao như đề nghị mới cần phải xem xét lại hợp lý hơn.

Hiện nay người dân Sài Gòn sử dụng nước sinh hoạt với giá 2.700 đồng một m3, sắp tới có thể phải trả 4.725 đồng cho mỗi m3 (đã tính thuế GTGT). Tổng công ty nước Sài Gòn (Sawaco) vừa gửi đề nghịvề việc tăng giá nước sạch với Sở Tài chính.

Cụ thể, với giải pháp mới của Sawaco sẽ có hai loại: nước sinh hoạt và các khách hàng phi sinh hoạt. Đối với nước sinh hoạt, gia đình dân dùng dưới 10 m3 một tháng sẽ phải trả 4.500 đồng một m3 (chưa thuế), trên mức này đơn giá là 7.900 đồng một m3.

Giá nước được tính theo định mức: trung bình một gia đình 4 người thì mỗi người một tháng dùng 4 m3 với giá 2.700 đồng một m3, dùng từ 4 đến 6 m3 mỗi tháng giá 5.400 đồng một m3, từ 6 m3 trở lên áp giá 8.000 đồng một người. Như vậy, mức giá mới sẽ tăng 75% so với giá cũ.

Không chỉ phải chịu chi phí tăng đến 75%, cách tính mới 10 m3 một gia đình mỗi tháng cũng sẽ làm giảm định mức tiêu dùng của người dân. Cách tính cũ: một gia đình dân với 4 người được xài 16 m3 mỗi tháng với giá 2.700 đồng một m3, cách tính mới một gia đình chỉ được xài 10 m3 mỗi tháng với giá thấp nhất là 4.500 đồng mỗi m3. Như vậy là người dân bị thiệt cả đôi đường.

Lối chơi cửa quyền của anh độc quyền

Đó mới chỉ là cách tính "khôn khéo" của "ông cấp nước". Chuyện đáng nói hơn cả là việc để thất thoát nước khổng lồ lại đổ gánh nặng lên vai người dân.

Cụ thể: năm 1999 tỉ lệ thất thoát nước là 34%, sang năm 2000 vọt lên 37%, năm 2001 chựng lại mức 37% thì sang năm 2002 lên 38,3%, năm 2003 là 35% thì đến năm 2004 lại vọt lên gần 42%, năm 2005 giảm còn khoảng 34%. Trong năm 2006-2007, tỉ lệ thất thoát nước có nhiều con số báo cáo không thống nhất, dao động từ 34-38%. Đến năm 2008, tỉ lệ thất thoát nước vọt lên con số kỷ lục 42,54%. Đây là một trong những mức thất thoát cao nhất từ trước đến nay.

Như vậy, với tổng công suất trên toàn địa bàn TP khoảng 1,3 triệu m3/ngày thì mỗi ngày Sawaco để thất thoát hơn 500.000m3 nước sạch (gần gấp đôi công suất Nhà máy nước Tân Hiệp). Nếu tính mức giá thành để Sawaco sản xuất ra 1m3 như hiện nay (7.500 đồng/m3) thì số thất thu khoảng 3,7 tỉ đồng mỗi ngày. Rõ ràng với số thất thoát rất lớn này thì việc tăng giá nước của Sawaco là không công bằng, là bắt dân phải gáng chịu gần một nửa sự thiệt hại trong phần trách nhiệm của mình. Đây cũng là một "lối chơi cửa quyền" của những anh thích độc quyền.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho rằng phải tăng giá nước để bù lỗ? Thật ra trong khoản lỗ đó có phần do tỉ lệ thất thoát nước. UBND TP đã có chỉ thị phải giảm tỉ lệ thất thoát nước, nhưng đến nay tỉ lệ này không giảm mà còn tăng cao hơn. Nếu tỉ lệ thất thoát nước giảm hiệu quả thì người tiêu dùng không phải chịu giá nước cao như vậy. Trong hoàn cảnh hiện nay, Sawaco nên kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước để giảm lỗ hơn là tính toán tăng giá nước quá cao. Ông Võ Văn Đường - nguyên giám đốc Công ty Cấp nước TP. Sài Gòn, cho rằng nếu làm tốt công tác chống thất thoát thì không cần phải tăng giá nước.

Vì vậy việc tăng giá nước từ 24% đến hơn 86% như đề nghị là quá vô lý, gây bất bình trong nhân dân, nhất là theo tổng kết tài chính năm 2008, Sawaco vẫn có lời. Vậy không có lý do gì Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đòi tăng giá.

Những phát hiện kinh hoàng về nước ở Hà Nội

Trong bài tuần trước, tôi đã tường trình cùng bạn đọc về tình trạng nước nhiễm khuẩn ở TP. Sài Gòn. Nhưng mới đây, phát hiện về nước bẩn tại thủ đô Hà Nội còn kinh hoàng hơn nhiều.

Giữa tuần vừa qua, sáng 12-3, tại gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (số 4, hẻm 112/15/20, phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Tiến sĩ Trần Văn Nhị trực tiếp lấy mẫu nước ở bể chứa nước ăn, sau đó nhỏ vài giọt dung dịch thử phản ứng hoá học. Chưa đầy một phút, ống nước đang trong vắt lập tức chuyển sang màu vàng vẩn đục.



TS Trần Văn Nhị thử mẫu nước ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội
(hai mẫu thử này nhiễm amoni và nitrit)

Trước kết quả này, tiến sĩ Nhị khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni (chất được phân huỷ từ các loại chất thải) rất nghiêm trọng. Thông thường, nếu nước bị nhiễm với tỉ lệ thấp thì vài phút sau mới xảy ra phản ứng hoá học. Test thử này gần như lập tức xảy ra phản ứng hoá học vì tỉ lệ nhiễm amoni quá cao”.

Sau đó, ông Nhị tiếp tục đến một số gia đình khác ở tổ 4, tổ 5... tại phường Định Công, các mẫu nước khi lấy làm các test thử đều đã được lọc qua bể cát, sỏi nên trong vắt. Nhưng tất cả các mẫu nước đó đều lập tức chuyển màu vàng, lẩn vẩn đục sau khi được nhỏ vài giọt dung dịch hoá học.

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở Đại Mỗ (huyện Từ Liêm), TS. Trần Văn Nhị cũng đã làm test thử nghiệm và khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni rất nặng, thậm chí đã chuyển hoá thành nitrit độc hại".

Sau đó, TS Trần Văn Nhị và nhóm cộng sự của ông tiếp tục lấy mẫu nước tại khu vực Nhổn, Tây Mỗ (huyện Từ Liêm); khu vực dân cư trên đường 6 Hà Đông; khu vực Ba La - Bông Đỏ và một số gia đình tại xã Minh Khai dọc sông Đáy (Hà Đông)... Các test thử ở một loạt khu vực dân cư trên đều cho kết quả tương tự.

Chất amoni có trong nước sẽ cực kỳ nguy hiểm, vì khi gặp không khí sẽ chuyển hoá thành chất có khả năng gây bệnh ung thư. TS Nhị cho biết: “Thậm chí, khi ăn vào cơ thể, amoni sẽ kết hợp với chất có trong dạ dày tạo thành chất mới gây nguy cơ ung thư rất cao”. Nhiều người quan niệm rằng, khi đun sôi sẽ tiêu diệt được hết các chất độc trong nước. Tuy nhiên, TS Nhị khuyến cáo, việc đun sôi không những không làm giảm lượng độc tố mà trái lại, dưới tác động của nhiệt độ, những độc tố trên còn chuyển sang một dạng mới nguy hiểm hơn nhiều.

Ông Nhị cho biết thêm: “Không chỉ vậy, nguồn nước sinh hoạt, ăn uống ở tất cả các vùng dân cư trên đều bị nhiễm độc asen (thạch tín)”. Tiêu chuẩn cho phép đối với chất này chỉ là 10 microgam/lít, nhưng thực tế kết quả thử nghiệm đều trên 40 microgam/lít.

Có nơi, hàm lượng nhiễm asen lên tới 75 microgam/lít. Việc tiếp xúc lâu dài với asen rất dễ gây ung thư da, ung thư phổi, bàng quang... Thậm chí làm rối loạn gene và sinh tổng hợp ADN.

Xét ra như thế nước ở thủ đô Hà Nội còn nguy hiểm hơn cả TP. Sài Gòn. Thôi thì cứ cho nó ngang nhau cũng đủ thấy dân ở hai thành phố lớn nhất nước chỉ cần dùng nước uống thông thường cũng dễ "lãng quên đời" rồi.

Cũng trong tuần vừa qua, tại Sài Gòn lại phát hiện thêm hàng loạt cơ sở sản xuất nước đóng chai mà người ta thường gọi là nước tinh khiết, nhiễm vi sinh, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thanh tra Sở Y tế TP. Sài Gòn nêu đích danh 9 cơ sở 100% không bảo đảm vệ sinh. Quả là con số đáng kinh ngạc.

Một phát hiện… kinh hồn hơn

Đó là heo sữa từ vùng dịch tai xanh được bán cho nhà hàng. Trên những bàn tiệc lớn thường có món heo sữa quay. Một con heo nhỏ dễ thương vàng ươm nằm khiêm tốm trong chiếc đĩa men sứ sáng bóng trông rất hấp dẫn và có phần sang trọng. Ăn cái da heo sữa quay dòn tan chấm với mật kèm miếng bánh bột thì tuyệt cú mèo. Phần thịt heo sữa có vị không ăn vì nó nhạt, song cũng có vị xơi tuốt cho đủ bộ.



Người bán đang chào hàng khách mua heo sữa.


Một lò giết mổ heo sữa di động tại Bình Phục,
huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Nhưng có ai dám chắc rằng những con heo sữa đặt trên những bàn tiệc sang trọng đó ở các nhà hàng lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Sài Gòn không phải là nguồn heo sữa được cung cấp từ các tỉnh miền Trung đang bị dịch tai xanh hoành hành?

Một thương lái nhiều năm buôn bán heo sữa tại chợ heo Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cam đoan rằng, một số lớn heo sữa được cung cấp cho các nhà hàng tại các thành phố trong thời gian qua được đưa từ các vùng dịch ở Quảng Nam đi tiêu thụ với giá rẻ như bèo…

Đưa heo vùng dịch vào thành phố lợi nhuận rất cao

Lật sổ kiểm tra, kể từ ngày dịch bùng phát đến nay, lực lượng liên ngành đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển heo từ vùng dịch vượt trạm về các thành phố lớn để tiêu thụ.



Heo sữa ướp lạnh đem đi tiêu thụ bị bắt giữ.

Điển hình như trong tuần vừa qua, vụ phát hiện hàng chục thùng xốp đựng heo sữa đã ướp đá vào lúc 2 giờ sáng ngày 10-3, trên tuyến Quốc lộ 1A, qua địa bàn phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ. Khi kiểm tra, lực lượng liên ngành của tỉnh đã phát hiện xe vận tải BKS 92K 3688 do tài xế Nguyễn Văn Tuấn lái, chở 940 con heo sữa (hơn 2/3 đã giết thịt) trên đường đưa vào TP. Sài Gòn tiêu thụ.

Theo lời khai của tài xế Tuấn thì toàn bộ số heo trên được một số người buôn thu gom từ những vùng đang xảy ra dịch tai xanh ở Thăng Bình vào lúc đêm khuya, tập trung tại thị trấn Hà Lam, sau đó thuê xe vận tải của Tuấn vận chuyển vào TP. Sài Gòn tiêu thụ.

Trước đó, vào trưa 6-3, tại địa bàn xã Bình An, huyện Thăng Bình, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện 179 con heo sữa có tổng trọng lượng 500 kg đã giết thịt, ướp lạnh bỏ trong 10 thùng xốp, chuẩn bị đưa lên xe đường dài nhằm hướng Hà Nội tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ.

Còn những vụ vận chuyển khác, những lái heo đã lén lút mang đến những thành phố lớn khác tiêu thụ. Số lợi nhuận sẽ rất cao. Một con heo sữa ở vùng dịch mua với giá vài chục, thậm chí vài ngàn một con, mang đến thành phố có thể bán gấp chục lần hoặc hơn nữa.

Huề cả làng

Một viên chức trong đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch tai xanh đề nghị không nêu tên cho biết: “Không thể nào kiểm soát hết được việc giết mổ heo sữa tại các vùng dịch để đưa đi tiêu thụ. Bởi hệ thống giao thông ở vùng nông thôn Quảng Nam chằng chịt, việc giết mổ heo sữa rất đơn giản, chỉ cần vài ba người thợ, mỗi đêm có thể giết mổ cho ra lò hàng trăm con heo sữa. Việc vận chuyển nhỏ lẻ, làm sao kiểm soát hết được…”.

Thế thì người dân thành phố ăn heo từ vùng dịch là chuyện bình thường. Nghe qua cũng thấy rùng rợn, ấy thế nhưng người ăn vẫn cứ ăn, người bán vẫn cứ bán, cơ quan được gọi là chức năng vẫn cứ … không thể kiểm soát được. Huề cả làng. Đó là chuyện thường xảy ra ở Việt Nam rồi, có chi là lạ đâu!

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers