Nguyễn Thiếu Văn tại lễ động thổ HTYV tại TPHCM (ảnh lớn) và hình ảnh chụp năm 1986 - ông ta mới xuống tóc làm hòa thượng cách nay 3 năm. Ảnh: C.T.V
Mới nghe danh của Nguyễn Thiếu Văn (NTV), nhiều người lầm tưởng đó là một vị trí thức, nhưng thực tế, chân dung đích thực của nhân vật này rất phức tạp. Nhiều người có thể không biết, không rõ về ông ta và có thể bị mắc lừa, kể cả Việt kiều ở Úc - nơi ông chủ dự án Hải Thượng y viện (HTYV) đang sinh sống.
Lòng vòng chuyện được cấp phép hành nghề
Phải khẳng định rằng cho đến nay, NTV, Van Thieu Nguyen, Thieu Van Nguyen hay Nguyễn Văn Thiệu (sau đây gọi là NTV) chỉ là tên của một người tự xưng mình là tiến sĩ-trạng sư luật (TS-TSL) nhưng chưa trưng dẫn được bằng cấp xác thực nào về quá trình học và hành nghề của mình.
NTV đến Úc vào những năm 1980 - 1982, với tư cách thuyền nhân tị nạn. Thời gian khoảng 1984-1986, khi gặp chúng tôi, NTV luôn xưng là TS kinh tế. Mới chân ướt chân ráo sang Úc có được bằng cử nhân đã khó, trong khi NTV lại có cả bằng TS!
Nhưng, quan trọng hơn cả là tại sao NTV có danh xưng TS-TSL? Rất nhiều người đã bị mê hoặc, hoặc phải tin về danh xưng này bởi giấy phép hành nghề luật của NTV do Luật sư đoàn (LSĐ) tiểu bang New South Wales (NSW) cấp trong vòng 10 năm, từ 3-8-1990 đến 15-6-2000, là thật 100% .
Sự thật là, theo cáo trạng của tòa án tiểu bang NSW, vào năm 1990, khi xin gia nhập LSĐ ở đây, NTV đã khai trong đơn là TS và xin sinh hoạt với chức danh TSL - một chức vụ cao nhất của ngành luật tại Úc. LSĐ NSW đã cấp giấy hành nghề theo đơn xin của NTV vào ngày 3-8-1990. Chúng tôi chưa kiểm tra được, dựa trên cơ sở nào để LSĐ NSW cấp giấy phép cho NTV.
Đến giữa năm 1998, NTV lại nộp đơn xin gia nhập LSĐ tiểu bang Victoria - Úc. Khi ghi vào đơn, NTV cũng đã khai là TS-TSL. Khi thụ lý hồ sơ, ông phó LSĐ Victoria sơ suất không xét kỹ nên cho NTV đặt tay lên Thánh kinh tuyên thệ. Sau đó, ông mới nhận ra NTV không có các văn bằng LS-TSL kèm theo nên yêu cầu ông ta phải bổ sung. Song, vì NTV đã lỡ tuyên thệ trước Thánh kinh nên tòa cho phép thông qua trước khi bổ sung giấy tờ cần thiết và ông phó LSĐ Victoria cũng cho thụ lý hồ sơ, cấp giấy hành nghề cho NTV. Thế là nghiễm nhiên NTV cũng trở thành TS-TSL như đã tự khai!
Man khai và lừa đảo
Vào đầu năm 1999, trong một vụ làm ăn, NTV yêu cầu khách hàng chuyển 100.000 USD vào tài khoản của ông ta với tư cách là một người giữ tiền chứng cho một hợp đồng làm ăn giữa hai công ty. Phía công ty có trách nhiệm chuyển tiền chứng thấy sự việc vô lý, đã khiếu nại LSĐ NSW về sự vi phạm nguyên tắc hành nghề luật sư của NTV (theo nguyên tắc ở đây, người đang hành nghề luật sư/trạng sư không được phép đứng ra giữ tiền chứng cho một công ty nào khác). LSĐ NSW trong quá trình điều tra truy lục hồ sơ không thấy chứng từ học vấn của NTV, đã yêu cầu ông ta bổ sung, song không được hồi âm. Vì vậy, ngày 15-6-2000, LSĐ NSW chính thức hủy bỏ pháp danh hoạt động luật sư của NTV. Sau đó, ngày 10-10-2000, LSĐ NSW đã khởi kiện NTV lên tòa án với 2 tội danh: Man khai và lừa đảo trong đơn xin đăng ký giấy phép hành nghề.
Tòa án đã tiến hành thụ lý hồ sơ và xử vào ngày 13-8-2001. Phiên tòa xử vắng mặt NTV vì ông ta không đến, song có gửi giấy phản hồi những chất vấn trong quá trình điều tra. Phiên tòa này đã ra quyết định cuối cùng (vào ngày 5-10-2001) dựa trên khởi tố của LSĐ NSW, chính thức truất phế vai trò hành nghề TSL của NTV tại NSW và buộc ông ta phải chịu toàn bộ án phí.
Như vậy, NTV đã man khai với LSĐ về tư cách chuyên môn của mình và chưa bao giờ trưng dẫn được bằng cấp về luật như lời khai trong đơn xin gia nhập LSĐ ở Úc. Ở Úc, hoạt động trong ngành luật theo danh sách của LSĐ NSW cung cấp chỉ có một người là NTV, nên chúng tôi có thể khẳng định TS-TSL tự xưng NTV, chủ tịch cái gọi là “dự án HTYV”, chỉ là một người.
Dự án quá nhiều khuất tất
Ngày 21-2, lễ động thổ dự án khu y tế quốc tế công nghệ cao Hải Thượng y viện (HTYV) đã được tổ chức rình rang tại một khu đất trống ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1 A, huyện Bình Chánh- TPHCM, song không có một đại diện cơ quan chức năng nào tham dự.
Theo ông Lê Thăng Long, Chủ tịch CLB Doanh nhân chấn hưng nước Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển- Đầu tư công nghệ Innotech (đại diện ban vận động thành lập HTYV, phó ban tổ chức lễ động thổ), dự án HTYV có kinh phí 70 triệu USD, do Tập đoàn Quản lý bệnh viện nhân đạo HTYV ở Úc (do NTV làm chủ tịch) làm chủ đầu tư. Thực tế, dự án này chưa hề được các cơ quan chức năng cấp phép.
NTV đã về VN nhiều lần và được nhiều người biết đến với danh xưng hòa thượng Thích Minh Tâm. Trong những lần tham gia chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, “hòa thượng” này đều gợi ý thành lập bệnh viện nhân đạo khám chữa bệnh cho người nghèo.
Trước đó, từ cuối năm 2007, các thủ tục xin phép triển khai dự án này đã được ban vận động tiến hành. Lúc đó, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM, người được tập đoàn ủy nhiệm về mặt pháp lý) đã có tờ trình gởi UBND TPHCM xin đầu tư dự án trên khu đất 10.000 m2 ở quận 7. Ban Quản lý khu Nam cũng cho biết ban vận động nhiều lần xin đầu tư xây dựng bệnh viện ở khu Nam. Song, tất cả đều bị từ chối.
Không chỉ tiến hành dự án HTYV ở TPHCM, NTV còn triển khai tại Hà Nội. Theo công văn của UBND TP Hà Nội do HTYV trưng ra, vào ngày 19-9-2007, UBND TP đồng ý cho mở bệnh viện trên địa bàn. Công văn này tuy có đóng dấu treo của UBND TP Hà Nội, song lại không có số, nơi nhận, nơi lưu...!
T.Giang
Hành xử sai nguyên tắc thành viên LSĐ
LSĐ NSW vào tháng 10-2000 cũng đã khởi kiện độc lập (không liên quan đến khởi tố về man khai) NTV (đang hoạt động như là một TSL có giấy phép hành nghề) lên tòa về tội hành xử sai nguyên tắc của một thành viên trong LSĐ, tức là đã đứng ra giữ tiền chứng cho một công ty khác. Phiên tòa đã diễn ra vào ngày 18-9-2002 và NTV cũng như đại diện luật pháp của ông ta không có mặt.
Tòa đã y án và phán quyết NTV phạm tội hành xử sai nguyên tắc như LSĐ NSW khiếu kiện. Sau đó, tòa đã ra phán quyết phạt vạ NTV 15.000 đô la Úc, cảnh cáo trước công luận và buộc ông ta phải chi trả toàn bộ án phí.
Nguyễn Thiếu Văn, Van Thieu Nguyen, Thieu Van Nguyen, Nguyễn Văn Thiệu hoặc hòa thượng Thích Minh Tâm, đều chỉ là một người. Ông này không phải là tiến sĩ - trạng sư luật. Điều này thể hiện rõ trong cáo trạng tại 2 phiên tòa ở tiểu bang New South Wales - Úc.
No comments:
Post a Comment